Sáng tạo được nhiều nhà khoa học thừa nhận là cấp độ cao nhất của quá trình nhận thức, xếp trên các nấc thang: Biết, Hiểu, Vận dụng, Tổng hợp và Đánh giá.
Óc sáng tạo của người học được xem là sản phẩm nhận thức có tác dụng lâu dài nhất của quá trình giáo dục. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục phổ thông là phát hiện, nuôi dưỡng óc sáng tạo của người học.
Ở nước ta, điều này được quy định trong Luật Giáo dục 2005 (Điều 27) và rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD-ĐT.
Thực tế, không ít hoạt động thay vì thúc đẩy lại đang kìm hãm sự sáng tạo của người học. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ đi sâu phân tích, lấy ví dụ ở 2 khâu cuối trong 3 khâu cơ bản của quá trình giáo dục (1- Xây dựng chương trình, 2- Tổ chức các hoạt động dạy học và 3- Kiểm tra đánh giá) để làm rõ luận điểm này.
Trước hết, mời độc giả cùng xem xét quá trình dạy học
Hai hoạt động dạy và học có quan hệ biện chứng, phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình dạy – học. Do đó, rất khó để có những học sinh giàu óc sáng tạo nếu giáo viên không có các hoạt động khuyến khích sáng tạo.
Ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân như: lớp đông học sinh, áp lực phải hoàn thành nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy thiếu cập nhật, áp lực về điểm số…, đa phần giáo viên sử dụng một phương pháp chung cho tất cả học sinh mà ít quan tâm đến sự khác biệt về nhu cầu, năng lực nhận thức, hay cách học của mỗi em. Với phương pháp giảng dạy như vậy, liệu giáo viên có thể phát hiện năng khiếu, sở thích của mỗi học sinh, tạo môi trường, động lực để các em phát huy, thể hiện sự sáng tạo?
Nếu biết vận dụng, các em nhỏ có thể tạo ra dòng điện nhỏ có thể thắp sáng bóng đèn chỉ từ các thức ăn quen thuộc hàng ngày như khoai tây, chanh, giấm,…Ảnh: Thanh Hùng
Một thực tế là hiện nay đang có sự phân chia ngôi thứ rất rõ rệt ở các môn học. Trong khi các môn Khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa hay các môn: Tiếng Anh, Ngữ văn được các nhà trường và các bậc phụ huynh xem trọng, đầu tư thì các môn có tính chất khuyến khích người học phát triển óc sáng tạo như Mỹ thuật, Âm nhạc lại rất ít được quan tâm, được hiểu ngầm là “môn phụ”.
Lý do cơ bản có lẽ xuất phát từ quan niệm sai lầm về sự thông minh. Nhiều giáo viên, phụ huynh vẫn quan niệm bó hẹp,chỉ xem học sinh thông minh khi các em có năng lực về toán học hay khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt. Điều này làm cho những học sinh có năng lực, thông minh về các lĩnh vực khác càng có ít hơn cơ hội hơn để phát triển, sáng tạo.
Tiếp theo, mời độc giả cùng xem xét khâu kiểm tra, đánh giá
Hình thức thi trắc nghiệm khách quan với 4 phương án cho sẵn đang được ưa chuộng bởi tính “khách quan” và sự thuận lợi trong việc chấm bài, ghi điểm. Trắc nghiệm khách quan ban đầu được sử dụng ở các môn khoa học tự nhiên như: Lý, Hóa, Sinh, ở các kỳ thi hết kỳ, cuối năm hoặc tốt nghiệp. Đến nay, nó đã được sử dụng ở cả những môn Khoa học xã hội và nhân văn như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và môn Ngoại ngữ, ở cả kỳ thi mà kết quả dùng để làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Không thể phủ nhận là bài thi trắc nghiệm khách quan có khả năng bao quát chương trình, dễ chấm, có thể chấm bằng máy, như vậy có thể dùng để khảo sát những kiến thức, kĩ năng cơ bản của người học phục vụ việc đánh giá, sàng lọc ban đầu.
Tuy nhiên, điểm bất lợi nhất của phương thức kiểm tra này là không thể kiểm tra được những kỹ năng tư duy bậc cao như khả năng sáng tạo, tư duy phản biện – những kĩ năng, tư duy hầu hết các doanh nghiệp, nhà quản lý đang cần ở người lao động, đặc biệt là người lao động trí óc.
Theo tôi, nếu hệ thống giáo dục quá đề cao việc biết câu trả lời đúng duy nhất cho một câu hỏi, người học sẽ chỉ biết lắng nghe, làm theo, tái tạo lại những gì của thế hệ trước. Liệu đó có phải là mục tiêu của giáo dục?
Đến đây, có thể sẽ có độc giả không đồng tình với tôi, cho rằng giáo dục phổ thông của nước ta cũng rất chú trọng đến việc phát triển óc sáng tạo của người học. Cụ thể là một số trường học, cơ quan quản lý giáo dục đã tổ chức được các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh phổ thông.
Đồng ý rằng, mục đích của các cuộc thi là khuyến khích sự sáng tạo của học sinh; tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau như: Sự hạn chế về thời gian, kinh phí, khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học của giáo viên, nên hầu hết các trường chỉ tổ chức hoặc tham gia theo phong trào. Do “bệnh thành tích”, không ít sản phẩm đoạt giải cấp huyện, cấp tỉnh chủ yếu do giáo viên “sáng tạo”.
Không thể phủ nhận rằng, đâu đó vẫn có những trường tổ chức được các sân chơi, các cuộc thi vẽ tranh cho học sinh, nhưng chừng đó là chưa đủ. Các em cần những ngôi trường mà ở đó óc sáng tạo được quan tâm, nuôi dưỡng hằng ngày, trong mỗi tiết học.
Giải pháp nào cho vấn đề trên?
Trước hết, cán bộ quản lý mỗi cơ sở giáo dục phổ thông cần giúp cho giáo viên thấy được sự cần thiết phải tổ chức các hoạt động dạy – học theo hướng phát huy óc sáng tạo của người học, có nhận thức đầy đủ về thuyết thông minh đa chiều, về giá trị của mỗi loại hình thông minh cũng như sự cần thiết phải nuôi dưỡng chúng để từ đó giáo viên dần có những điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Thứ hai, để giáo viên và học sinh có động lực phát triển tư duy sáng tạo cho người học, các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường cần phải đồng bộ hóa nội dung dạy – học và kiểm tra, đánh giá với các mục tiêu trong khung chương trình. Cụ thể là mục tiêu thế nào thì giảng dạy và kiểm tra, đánh giá phải bám theo đó. Chúng ta không thể có sản phẩm giáo dục theo mục tiêu đề ra nếu nội dung kiểm tra, đánh giá không bám sát mục tiêu bởi từ xưa đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh hầu hết giáo viên và học sinh đều dạy và học theo nội dung yêu cầu của các bài thi.
Ngay cả khi xây dựng đươc chương trình, sách giáo khoa phù hợp, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên cách kiểm tra, đánh giá như hiện nay, mục tiêu đề ra trong chương trình khó mà đạt được. Do đó, để kích thích sự sáng tạo của học sinh, trong giảng dạy cũng như kiểm tra, cần đưa ra nhiều hơn các câu hỏi mở, không có đáp án cố định; trong đánh giá cần đề cao sự sáng tạo, tư duy phản biện của học sinh. Có như vậy, các em mới có nhận thức vượt thế hệ trước.
Thứ ba, rà soát, bồi dưỡng giáo viên đi đôi với thay đổi cách thức tuyển sinh, đào tạo sinh viên sư phạm. Nguyên nhân khiến giáo viên không thường xuyên tổ chức các hoạt động giảng dạy khuyến khích óc sáng tạo là do không được đào tạo đáp ứng mục tiêu này và họ chưa có động lực để thực hiện mục tiêu đó. Do đó, song song với việc nghiêm túc rà soát, đánh giá, bồi dưỡng những giáo viên không đáp ứng được yêu cầu, cần thay đổi phương thức tuyển sinh, đào tạo giáo viên, quan tâm không chỉ đến năng lực mà cả tố chất, thái độ đối với nghề nghiệp, không thể cứ mãi quy định chuẩn trình độ của giáo viên quá thấp so với quốc tế như hiện nay (GV Mầm non, GV Tiểu học là Trung cấp, GV Trung học cơ sở là Cao đẳng).
Ngày hội STEM là sân chơi kết nối khoa học, tạo cơ hội cho các em học sinh có niềm đam mê với khoa học, được học hỏi và trải nghiệm với các chủ đề khoa học thực nghiệm phong phú. Qua đó các em được phát huy tài năng, biến ý tưởng khoa học của mình thành hiện thực
Thứ tư, thay đổi phương đánh giá, cấp kinh phí cho nhà trường, giáo viên. Từng có thời gian làm nghiên cứu về giáo dục tại Vương quốc Anh, tôi đã chứng kiến bên đó không có các cơ quan quản lý giáo dục trung gian như nước ta, cũng không thường xuyên kiểm tra, đánh giá các nhà trường (ở nước ta, mỗi trường Tiểu học, THCS có thể được kiểm trên dưới chục lần/năm học, không chỉ bởi cơ quan quản lý giáo dục mà bởi các phòng, ban cấp huyện, cấp tỉnh khác) nhưng chất lượng giáo dục của họ vẫn tốt, phụ huynh và học sinh vẫn khá hài lòng.
Cách làm của họ là đánh giá khoảng 4 năm 1 lần, trong đánh giá có khảo sát, phỏng vấn phụ huynh và học sinh – những người trực tiếp thụ hưởng dịch vụ giáo dục. Kết quả đánh giá được công khai trên trang web của tổ chức kiểm định và của trường được đánh giá để phụ huynh có thông tin lựa chọn trường cho con. Các trường được cấp kinh phí theo số học sinh theo học. Giáo viên, hiệu trưởng cơ bản được trả lương theo năng lực, sức hút học sinh, không cào bằng theo tuổi tác, bằng cấp; đồng thời, thu nhập của họ cũng ngang bằng với các nghề có giá trị khác trong xã hội. Do đó, mỗi giáo viên, mỗi cán bộ quản lý đều nỗ lực điều chỉnh, làm mới mình theo yêu cầu của phụ huynh, học sinh.
Nếu chúng ta mạnh dạn tinh giản biên chế, tăng lương, trả lương cho giáo viên theo hiệu quả công việc, chắc chắn sẽ có động lực học hỏi, thay đổi phương pháp giảng dạy. Không những thế, về lâu dài sẽ thu hút được nhiều người giỏi, có tố chất phù hợp làm giáo viên hơn.
Cuối cùng, mỗi nhà trường cần tổ chức thường xuyên hơn nữa các sân chơi về âm nhạc, mỹ thuật, đặc biệt là các giờ học thực hành, hoạt động trải nghiệm kích thích sự hợp tác, sáng tạo của học sinh.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, những nỗ lực thay đổi của ngành giáo dục hiện nay thôi là chưa đủ, mà cần cả thay đổi nhận thức của phụ huynh về giá trị của mỗi dạng thông minh, về mục tiêu giáo dục để giảm bớt áp lực điểm số, thời gian học thêm, cho con em họ có thời gian khám phá, sáng tạo.
Bên cạnh đó, cách thức tuyển dụng nhân lực của các cơ quan nhà nước cũng cần sự thay đổi: Thay vì tập trung kiểm tra khả năng ghi nhớ văn bản, cần chú trọng hơn đến các kỹ năng mềm, khả năng vận dụng, xử lý công việc một cách sáng tạo. Có như vậy, lối học từ chương mới dần được loại bỏ.
TS Nguyễn Dư (Trưởng phòng Lãnh sự và Người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Ngoại vụ Thái Bình)
Mời độc giả chia sẻ quan điểm, góc nhìn về các vấn đề giáo dục theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn
Nguồn: VietnamNet
Post a Comment