Không hoàn toàn mới song những vấn đề liên quan đến chính sách thuế vẫn khá nóng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 vừa diễn ra ngày 4/7 tại Hà Nội.
Tại đây, nhóm Công tác thuế và Hải quan đã đưa ra không ít đề nghị để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo ông Mark Gillin, Trưởng nhóm này, do số lượng xe ôtô con nhập khẩu bị giới hạn, mức trần để khấu trừ khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 7% lên 15% để các nhà nhập khẩu và các đại lý có thể đảm bảo duy trì bền vững các hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, định nghĩa về các bên có "mối quan hệ liên kết" trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thường xuyên bị thay đổi. Vấn đề này vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng và gây nhầm lẫn cho các nhà nhập khẩu về nghĩa vụ thuế, báo cáo của nhóm công tác nêu rõ.
"Chúng tôi kiến nghị rằng mức trần để khấu trừ khi tính thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ 7% đến 15%. Cần có cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt tiêu chuẩn, mà không xét đến mối quan hệ sở hữu hay mối quan hệ giữa các bên không liên kết trong kênh phân phối. Khoản truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt do nộp chậm vì hướng dẫn không rõ ràng hoặc do thay đổi định nghĩa về các bên có mối quan hệ liên kết cần được bãi bỏ" , Trưởng nhóm Mark Gillin trình bày.
Phần phản hồi ý kiến các nhà đầu tư, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết bộ này đã có văn bản trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Vẫn liên quan đến chính sách thuế, nhóm công tác còn lo ngại về đề xuất tăng thuế suất thuế gía trị gia tăng áp dụng với hầu hết hàng hóa và dịch vụ gồm xe máy, phụ tùng thay thế và phụ kiện từ thuế suất hiện nay là 10% lên 12%.
Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua vào năm 2018, thuế suất mới này sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Theo nhóm công tác, với tình hình kinh tế hiện nay, trong khi thu nhập và mức sống của người dân cũng như hiệu quả kinh doanh vẫn ở mức thấp, việc tăng thuế suất giá trị gia tăng có thể có những tác động tiêu cực không thể lường trước. Nó có thể trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, xã hội Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp xe máy nói riêng.
Chính phủ cần xem xét kỹ đề xuất tăng thuế suất giá trị gia tăng đối với xe máy, phụ tùng thay thế và phụ kiện. Đặc biệt, cần có một lộ trình trong thời gian dài về tăng thuế suất giá trị gia tăng phù hợp với nền kinh tế và thu nhập của người dân, nhóm Công tác thuế và hải quan nêu quan điểm.
Vẫn liên quan đến các dự kiến đề xuất cải cách thuế của Việt Nam, nhóm Công tác thuế và hải quan cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống ngọt sẽ là một thực tế không phổ biến và không đúng.
Chỉ có bốn quốc gia trong toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chiếm khoảng hai phần trăm dân số trong khu vực, áp đặt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Hầu hết các nước không áp đặt thuế này bởi vì nó gây hại cho nền kinh tế và chưa được chứng minh là bảo vệ sức khỏe, nhóm này nhấn mạnh quan điểm tại diễn đàn.
Post a Comment