Hoạt động đầu tư ra nước ngoài và cho vay phát triển của Trung Quốc đã được tiến hành từ hàng chục năm nay, nhưng cùng với các sáng kiến kinh tế mới và tham vọng trở thành “quốc gia trung tâm” của thế giới mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, hoạt động ấy đã bùng nổ trong vòng năm năm trở lại đây.

Trung Quốc trên đường trở thành cường quốc cho vay

Hiện nay, các dự án đầu tư của Trung Quốc đang trải dài trên mọi châu lục, với sự xuất hiện không chỉ của các tập đoàn lớn mà cả các ngân hàng Trung Quốc đi kèm. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng (CSHT) – các dự án lớn, khoản vốn kếch xù – là một trong các trọng điểm của chiến lược ngoại giao kinh tế Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình lãnh đạo.

Số liệu mà tổ chức AidData thu thập cho thấy, trong giai đoạn 2000-2014, Trung Quốc đã cho vay phát triển, viện trợ dưới nhiều hình thức các khoản vay lên tới 354,3 tỉ đô la Mỹ. Con số này tương đương với con số 394,6 tỉ đô la Mỹ của Mỹ trong cùng thời kỳ. Với 4.300 dự án tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, số liệu mà AidData cung cấp có thể là nguồn thông tin tổng hợp nhất về “dấu chân” của Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư và tài trợ phát triển. Điểm tương phản giữa các khoản cho vay phát triển của Trung Quốc và Mỹ là trong khi 93% trong số gần 400 tỉ đô la Mỹ của Mỹ được thực hiện dưới hình thức ODA thì của Trung Quốc chỉ có 23%, điều này hàm nghĩa rằng đa phần các khoản cho vay phát triển của Trung Quốc là mang tính chất cho vay thương mại chứ không phải là viện trợ.

Khi “đồng minh” cũng hoãn, dừng dự án

Tại Myanmar

Myanmar vốn được coi là một trong những nước mà Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng và có ảnh hưởng sớm tại khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và chính phủ quân sự của Myanmar đã kéo dài nhiều năm, đem lại cho Trung Quốc nhiều quyền đầu tư béo bở.

Tháng 5-2018, chính phủ dân sự của Myanmar đột nhiên tuyên bố họ đang xem xét lại dự án cảng biển nước sâu Kyaukoyu trị giá 9 tỉ đô la Mỹ do Trung Quốc hậu thuẫn, vì lo ngại dự án này quá đắt và có thể khiến Myanmar vỡ nợ. Nhưng trước đó, làn sóng dừng dự án Trung Quốc tại Myanmar đã lên cao từ giai đoạn 2012-2014 khi chính phủ mới lên thay chính phủ quân sự. Đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar đã giảm đột ngột từ mức 12 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2008-2011 xuống chỉ còn 407 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn 2012-2013. Trong giai đoạn 2013-2014, trong số 47 công ty được Myanmar trao quyền khai thác 36 lô dầu và khí, không một công ty nào là của Trung Quốc. Trong giai đoạn này, Thái Lan, Singapore và Hồng Kông là ba nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Myanmar. Trong giai đoạn từ 2011-2014, Myanmar đã hoãn ba siêu dự án hàng tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc. Trong đó, dự án đập Myitsone trị giá tới 3,6 tỉ đô la Mỹ, còn dự án mỏ đồng Letpadaung trị giá 1 tỉ đô la Mỹ bị hoãn vào tháng 6-2012.

Tại Thái Lan

Vào đầu năm 2018, Thái Lan lên kế hoạch lập quỹ khu vực với các nước gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển, giảm phụ thuộc vào đầu tư từ Trung Quốc. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha dự kiến đề xuất ý tưởng này cho các nhà lãnh đạo của năm quốc gia vào ngày 16-6 tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 của Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).

Ý tưởng nêu trên không chỉ nhằm “quảng bá” cho sáng kiến của Thái Lan mà còn bắt nguồn từ thực tế rằng các nước đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho các “siêu dự án” hợp tác với Trung Quốc. Mặc dù các nước hoàn toàn có thể vay vốn từ Trung Quốc thông qua các ngân hàng chính sách hoặc ngân hàng thương mại của nước này (như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc), nhưng điều khoản và lãi suất luôn là một trở ngại. Tuyến đường sắt cao tốc của Thái Lan là một minh chứng. Tuyến đường sắt dài 873 ki lô mét với tổng chi phí đầu tư do Trung Quốc ước tính là 10,8 tỉ đô la Mỹ nối Thái Lan với vùng biên giới Lào là dự án chung của Thái và Trung Quốc do Trung Quốc cấp vốn vay. Tuy nhiên, từ lúc bắt đầu đến nay, Thái Lan và Trung Quốc đã đàm phán với nhau hơn 20 vòng, vì mức lãi suất mà Trung Quốc đề nghị “là cao hơn mức vay thông thường của Thái Lan”.

Tại Nepal

Là quốc gia “kín tiếng” tại Nam Á, Nepal có một sự chuyển dịch khá rõ nét về phía Trung Quốc khi các quan hệ kinh tế song phương gia tăng. Nhưng vào tháng 5-2017, chính phủ nước này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ khi trao cho tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc (CGCC) dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Budhi Gandaki với công suất 1200 MW trị giá 2,5 tỉ đô la Mỹ. Đến tháng 5-2018, một siêu dự án khác cũng bị xem xét và dừng lại. Đó là dự án Nhà máy Thủy điện Tây Seti có công suất 750 MW do tập đoàn CTGC của Trung Quốc đầu tư từ năm 2012. Lý do chính là công trình khổng lồ này thi công chậm tiến độ nhiều năm.

Pakistan

Là “đồng minh” quan trọng nhất của Trung Quốc ở Nam Á, Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) là một phần quan trọng của sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI). Trong chuyến thăm chính thức sang Pakistan, ông Tập Cận Bình đã hào phóng tuyên bố nước này sẽ đầu tư vào đây 50 tỉ đô la Mỹ để biến Pakistan thành một quốc gia công nghiệp hóa năng động, với cảng biển, năng lượng và hệ thống CSHT hiện đại nhất Nam Á. Tuy nhiên, chỉ vài tháng trước, Chính phủ Pakistan đã tuyên bố hủy bỏ dự án đầu tư đập Diamer-Bhasha trị giá 14 tỉ đô la Mỹ  thuộc CPEC. Mặc dù giải thích rằng, việc làm này không ảnh hưởng đến khung khổ hợp tác CSHT giữa hai quốc gia, nhưng tín hiệu được phát đi rõ ràng là Pakistan muốn “nhắn nhủ” Trung Quốc về các điều khoản tài chính tiền tệ ngặt nghèo mà Bắc Kinh đưa ra sẽ đặt tương lai kinh tế của Pakistan vào một tình thế eo hẹp và ít dư địa.

Bẫy nợ: từ quan ngại mơ hồ đến nỗi lo cơm áo

Các nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy việc dự án của Trung Quốc ở nước ngoài bị dừng lại, hủy bỏ không phải là ít. Có bốn nhóm lý do chính được chính phủ các nước đưa ra, bao gồm: (i) Mối lo ngại đầu tiên là các vấn đề môi trường; (ii) Mối lo ngại về các vấn đề xã hội; (iii) Các công ty Trung Quốc  thiếu công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu; (iv) Sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự và những căng thẳng về chủ quyền với các nước láng giềng khiến chính phủ các nước nghi ngại các dự án đầu tư CSHT sẽ được dùng làm vũ khí chính trị.

Những lý do này có thể “hợp lý” khi nhìn vào thực tế các nước như Đông Nam Á. Nhưng khi những nước được coi là thân cận với Bắc Kinh cũng hoãn, hủy dự án, có thể còn có các nguyên do khác. Gần đây, khái niệm “chính sách bẫy nợ/debt trap poilicy” được thảo luận rộng rãi với hàm ý Trung Quốc đưa các nước vào các dự án khổng lồ, tạo ra gánh nặng nợ vượt quá khả năng chi trả của quốc gia dẫn đến sự phụ thuộc chính sách vào ý muốn của Trung Quốc. Mặc dù đây là một khái niệm còn gây tranh cãi, nhưng quan sát “làn sóng xét lại” đối với dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc có thể thấy nỗi lo về “nợ không trả được” ngày càng trở thành quan ngại chính đứng đằng sau quyết định của các chính phủ.

Việt Nam cần làm gì?

Một nghiên cứu dựa trên 95 siêu dự án trị giá 52 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc được xây trong giai đoạn 1984-2008 và 806 dự án CSHT của các nước phát triển cho thấy ba kết luận quan trọng: (i) chi phí xây dựng của Trung Quốc đắt hơn 30,6% so với dự toán; (ii) 55% các công trình của Trung Quốc không mang tính kinh tế liên quan đến vòng đời vận hành của chúng; và (iii) 17% số dự án có lợi nhuận/vốn thấp hơn dự tính.

Tại Việt Nam, việc đấu thầu chủ yếu dựa theo “bỏ giá thấp”, thêm vào đó, việc vay vốn nước ngoài thường đi kèm với điều khoản là bên cho vay được “chỉ định nhà thầu”, nên dẫn đến tình trạng nhiều công trình lọt vào tay Trung Quốc. Để hạn chế các gánh nặng tài chính khổng lồ do các khoản đầu tư này gây ra, có ba điểm Việt Nam có thể thay đổi.

Thứ nhất, chuyển từ đấu thầu theo giá thấp sang cách tiếp cận đầu tư theo chi phí vòng đời của công trình.

Thứ hai, có thể vay vốn Trung Quốc nhưng sử dụng kỹ thuật và nhà thầu của bên thứ ba để nâng cao chất lượng công trình và trình độ quản trị.

Thứ ba, chống tham nhũng, hạn chế tình trạng đội vốn và thất thoát tài sản từ đầu tư công.

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top