Một môi trường tốt, nơi con người tuân thủ pháp luật, tôn trọng người khác và có tính tự giác cao sẽ tạo ra những con người tốt. Đó có lẽ là điều mà chúng ta rất đáng suy ngẫm, không chỉ cho chính bản thân chúng ta mà còn cho mọi người khác xung quanh mình.
Nếu phải nói đến một nét văn hóa điển hình của người Nhật, hẳn có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến cử chỉ cúi chào như một cách thể hiện sự tôn trọng và cảm ơn tới người khác. Văn hóa tôn trọng con người, tôn trọng tài sản của người khác, tránh tối đa làm phiền người khác đã thấm đẫm vào mỗi con người và cuộc sống của người dân đất nước mặt trời mọc.
Vì thế, nếu một ngày bạn đặt chân đến Nhật, đừng quá ngạc nhiên khi thấy những hình ảnh sau nhé:
1. Tại các cầu thang máy ở Nhật, thông thường mọi người sẽ đứng gọn sang một bên và dành phía trống để người khác có thể dễ dàng đi bộ lên/xuống. Hãy thử tưởng tượng một lúc nào đó bạn đang có việc rất vội và thang máy thì đông kín người đứng lộn xộn, bạn sẽ rất khó khăn để vượt lên trên. Người Nhật luôn cố gắng để tạo sự thuận tiện cho người khác.
Người Nhật thường đứng gọn sang một bên khi đi thang máy. (Ảnh: Internet)
2. Tại công trình xây dựng nơi công cộng, có thể dễ dàng bắt gặp những rào chắn được cài hoa rực rỡ như thế này như một lời xin lỗi dễ thương cho việc “làm phiền” người đi đường. Lối đi tuy có hẹp hơn, nhưng chắc hẳn sẽ không gây tâm lý khó chịu cho mọi người.
Hoa được cài trên rào chắn công trình xây dựng trên đường phố ở Nhật Bản. (Ảnh: C. Lien)
3. Khi xây dựng những công trình công cộng, người Nhật rất ý thức việc sao cho thuận tiện cả cho người khuyết tật hay người khiếm thị. Những “chỉ dẫn” nổi trên đường sẽ giúp người khiếm thị có thể tự tin hơn khi bước đi.
Lối đi khắc nổi dành cho người khiếm thị ở Nhật. (Ảnh: C. Liên)
Chữ nổi được khắc trên tay vịn để giúp người khiếm thị có thể tự định hướng. (Ảnh: C. Liên)
Nhà vệ sinh công cộng dành cho người khuyết tật ở Nhật. (Ảnh: C. Liên)
4. Tại ga tàu, người Nhật kiên nhẫn xếp hàng và họ luôn đứng ở hai bên cửa, nhường lối ở giữa cho những người đi từ trên tàu xuống. Khi tàu đến, họ sẽ chờ cho người trên tàu xuống hết rồi mới đi lên. Cách này tuy nhìn có vẻ hơi “chậm” một chút, nhưng thực tế lại nhanh hơn nhiều so với khi phải chen lấn xô đẩy, chưa kể an toàn và văn minh hơn hẳn.
Người Nhật có thói quen đứng chờ ở hai bên cửa để nhường chỗ giữa cho khách trên tàu đi xuống. (Ảnh: thewardrobedoor)
Nhân viên tàu cúi chào cám ơn hành khách. (Ảnh: Internet)
5. Trên tàu, bạn sẽ bắt gặp một khung cảnh tĩnh lặng tuyệt đối bởi người Nhật rất tôn trọng sự riêng tư của nhau nơi công cộng. Thông thường, mọi người sẽ đọc sách, nghe nhạc, ngủ, và tránh tối đa việc phát ra tiếng động. Điện thoại luôn đặt ở chế độ “Manner Mode” (cụm từ người Nhật dùng thay thế cho từ “Silent mode” – tức chế độ im lặng, bởi theo họ tôn trọng người khác là hành vi của người có cách xử sự (manner) văn minh), nếu có ai gọi đến họ cũng sẽ nói rất nhanh và hẹn gọi lại sau chứ không cà kê buôn chuyện.
Các hành khách thường cố gắng giữ sự yên lặng trong khoang tàu. (Ảnh: genkin.org)
6. Tại các cửa hàng hay trung tâm thương mại, cho dù bạn ít tiền hay nhiều tiền thì bạn cũng được chào đón nhiệt tình với cung cách cúi chào lịch thiệp. Hành động này không chỉ thể hiện sự tôn trọng với khách hàng, mà còn tạo cho khách cảm giác mình được chào đón nhiệt tình.
Nhân viên cửa hàng cúi chào khách. (Ảnh: Youtube)
Nhân viên trực thang máy cúi chào khách ngay cả khi thang máy đã đóng ở khu thương mại Takayshimaya, Tokyo. (Ảnh: Japantoday)
7. Đường phố ở Nhật rất sạch, bởi vì người Nhật không có thói quen vứt rác bừa bãi. Họ thích sự sạch sẽ và hiểu rằng người khác cũng vậy. Họ sẽ tự cầm rác của mình cho đến khi tìm được thùng rác để bỏ vào, và rất ngại nếu ai đó phải đi dọn dẹp cho đống bừa bãi của họ. Chưa kể, mỗi người dân Nhật đều được học cách phân loại rác để sao cho người khác xử lý chúng thuận tiện nhất.
Những người quét dọn ăn mặc cũng rất lịch sự. (Ảnh: Jpinfo)
Trên đây chỉ là một số những điều nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày ở Nhật, nhưng qua đó chúng thể hiện rõ nếp văn hóa luôn tôn trọng người khác, luôn nghĩ cho người khác của người Nhật – một đức tính rất đáng quý. Khi bạn nghĩ cho tôi và tôi nghĩ lại cho bạn, cuộc sống thực sự sẽ rất dễ chịu và tốt đẹp.
Xuân Lan
Post a Comment