Ngày 10/7 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) về những giải pháp khắc phục tình trạng xâm thực làm sạt lở bờ biển, bờ sông ở nhiều tỉnh.

Phiếu chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đặt vấn đề: những năm qua nhất là gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu đã liên tiếp xảy ra tình trạng xâm thực làm sạt lở bờ biển, bờ sông rất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành, trong đó Bình Thuận đang gánh chịu hậu quả nặng nề.

Trong khi đó nguồn lực của Chính phủ thì hạn hẹp và ngân sách địa phương  rất khó khăn nên mức đầu tư còn thấp hoặc chậm được đầu tư để khắc phục tình trạng trên. Do đó sạt lở tiếp tục xảy ra, đất tiếp tục bị mất, tính mạng và tài sản người dân vùng bị sạt lở bị đe doạ hàng ngày. Đây là nỗi bất an và bất cập lớn hiện nay.

Đại biểu Cảnh đề nghị Phó thủ tướng cho biết những giải pháp chỉ đạo của Chính phủ cả trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng trên.

Trả lời đại biểu Cảnh, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tình trạng sạt lở ven sông, ven biển diễn biến phức tạp cả về phạm vi, tần suất xuất hiện và mức độ nguy  hiểm.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước hiện xảy ra 2.055 khu vực sạt lở với tổng chiều dài 2.710km, trong đó có 93 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 237km, riêng tại Bình Thuận cũng đã xảy ra 12 khu vực sạt lở với tổng chiều dài khoảng 20km.

Nhiều nơi, sạt lở đã đe doạ đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, công trình hạ tầng, mỗi năm mất đi hàng trăm ha rừng ngập mặn, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái... Phó thủ tướng cho biết.

Theo trả lời của Phó thủ tướng, trước diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Về xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đầu tư công và các văn bản chi tiết thi hành các luật trên, trong đó có những nội dung liên quan đến phòng chống thiên tai. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển quy định cụ thể về trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương trong xử lý sạt lở, các biện pháp xử lý sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí trong điều kiện nguồn lực còn hết sức khó khăn.

Về giải pháp công trình và phi công trình, Phó thủ tướng cho biết, trong những năm qua, trong điều kiện hết sức khó khăn về nguồn lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phi công trình và công trình để phòng, chống sạt lở ven sông, ven biển. 

Như chủ động di dời dân cư, trồng và phục hồi rừng ngập mặn, xây dựng công trình kè chống sạt lở với mục tiêu trước hết tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kè và trồng rừng ngập mặn ven biển.

Giải pháp thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đôn đốc triển khai đồng bộ các giải pháp cả công trình và phi công trình, cả trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng xâm thực làm sạt lở bờ biển, bờ sông, Phó thủ tướng trả lời.

Trước mắt, rà soát, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở ven sông, ven biển. Tổ chức di dời khẩn cấp những hộ dân đang sinh sống tại khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi an toàn; đối với những hộ chưa có điều kiện di dời phải tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ, xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại tài sản khi có tình huống xấu.

Đồng thời kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực có diễn biến sạt lở, có nguy cơ sạt lở; triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án phòng, chống, khắc phục sạt lở và trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và các chương trình, dự án khác.

Về lâu dài, Phó thủ tướng thông tin một số giải pháp, trong đó có tăng cường thông tin, tryền thông, đặc biệt là tới chính quyền cơ sở và người dân để nhận thức rõ thực trạng, nguyên nhân, những khó khăn, thách thức cả về nguồn nhân lực, giải pháp kỹ thuật trong khắc phục sạt lở để chủ động phòng, tránh, hạn chế các hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai tại nơi mình sinh sống, trong đó có vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển. Huy động sự vào cuộc của toàn xã hội để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu vực có nguy cơ sạt lở, khai thác cát trái phép, tàn phá rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top