Sau tiêu cực về điểm số thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục duy trì kỳ thi tốn kém, quy mô lớn như vậy?
Trong 2 năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, các sở giáo dục – đào tạo địa phương chỉ được Bộ Giáo dục – Đào tạo giao nhiệm vụ phối hợp cùng các trường đại học trong khâu tổ chức thi. Còn lại việc chấm thi do các trường đại học quyết định. Kết quả kỳ thi “2 trong 1” giai đoạn đó được đánh giá rất cao và tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương giảm mạnh.
Thế nhưng, từ năm 2017, Bộ Giáo dục – Đào tạo lại quyết định giao quyền tổ chức kỳ thi quy mô này về cho sở giáo dục – đào tạo các địa phương, các trường đại học chỉ đóng vai trò phối hợp. Tiêu cực xuất hiện từ đây.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nếu giao cho các tỉnh thành tổ chức thi thì không thể nào tránh được tiêu cực vì địa phương nào cũng muốn có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao, muốn thí sinh của mình đậu vào các trường tốt.
Thí sinh thi THPT Quốc gia 2018 tại TPHCM.
Vì vậy, muốn đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng của kỳ thi THPT Quốc gia, theo người đứng đầu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Bộ Giáo dục – Đào tạo hãy trao quyền về cho các trường đại học.
“Bây giờ hãy trao lại quyền coi thi và chấm thi cho các trường đại học. Như vậy chắc chắn sẽ giảm tiêu cực. Các trường đại học không có lý do gì để ủng hộ địa phương này mà không ủng hộ địa phương kia. Họ sẽ làm việc một cách công tâm để những học sinh vào được các trường đại học là những học sinh thực thụ”- PGS. TS Đỗ Văn Dũng cho biết.
Bên cạnh việc đề nghị giao quyền tổ chức thi và chấm thi về cho các trường đại học, ông Đỗ Văn Dũng còn cho rằng, từ kỳ thi sắp tới, Bộ GD -ĐT cần có thêm các giải pháp công nghệ để niêm phong bài thi cả với bài thi tự luận lẫn trắc nghiệm để hạn chế thấp nhất tình trạng tiêu cực. Nếu Bộ cải tiến quy chế tuyển sinh, bổ sung những điều kiện mới đảm bảo sự trong sạch, minh bạch thì kỳ thi sẽ tốt lên.
Với 16 năm công tác trong lĩnh vực tuyển sinh, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM tỏ ra vô cùng bức xúc trước những thông tin tiêu cực thi cử rộ lên gần đây. Theo ông Cường, đây là dự đoán đã được những người tâm huyết với giáo dục cảnh báo từ khi Bộ GD-ĐT bắt đầu manh nha tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.
Mặc dù nhiều chuyên gia lúc đó đã phản ứng mạnh mẽ việc giao quyền tổ chức và chấm thi cho các địa phương. Tuy nhiên, mọi góp ý đều bị bỏ ngoài tai. Với những tiêu cực ngày càng trầm trọng như hiện nay, ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng đã đến lúc nên loại bỏ kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.
“Đối với kỳ thi THPT Quốc gia mà tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt gần 100% như hiện nay, theo tôi việc tổ chức kỳ thi là quá tốn kém, không cần thiết và không có chất lượng. Theo tôi, đối với những học sinh học xong chương trình THPT, thì nên chăng chúng ta cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho các em, còn việc tổ chức thi vào đại học thì hãy giao quyền tự chủ về cho các trường”- ông Cường cho biết.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM cho rằng, ý nghĩa của một kỳ thi cấp độ quốc gia nhìn ở góc độ tốt nghiệp như hiện nay là không cần thiết. Bộ GD-ĐT có thể giao cho sở giáo dục – đào tạo các địa phương, thậm chí các trường trung học phổ thông tổ chức thi tốt nghiệp hoặc xét tốt nghiệp cho thí sinh trên địa bàn.
Như vậy, về mặt pháp lý sẽ phù hợp với Luật Giáo dục còn về mặt thực tế sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí. Việc tổ chức thi nếu có thì là tổ chức thi tuyển sinh của các trường đại học. Hoặc nếu đủ tin cậy, các trường đại học cũng có thể dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT của thí sinh để tuyển sinh miễn sao đảm bảo được chất lượng đầu vào.
Nhiều người đặt câu hỏi: Nên bỏ hay giữ kỳ thi THPT Quốc gia? (Ảnh minh họa)
“Trong trường hợp các trường đại học cần xét tuyển những thí sinh theo đúng yêu cầu đào tạo của mình thì trường có thể tự tổ chức kỳ thi. Nhưng không phải các trường đều tổ chức mà hãy để cho những trường đại học có năng lực tổ chức thi, ra đề thi và chấm thi, các trường khác có thể phối hợp tổ chức để cùng dựa trên kết quả đó xét tuyển thí sinh.”- Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nói.
Theo nhiều chuyên gia, việc loại bớt các khâu rườm rà trong thi cử sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, tập trung vào kỳ thi cần độ chính xác cao về đánh giá năng lực thí sinh. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công tác tổ chức thi tuyển sinh đại học không nhất thiết phải tập trung như trước kia.
Với kinh nghiệm của kỳ thi “3 chung” và kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều người cho rằng, các trường sẽ làm tốt khâu này để lựa chọn được những thí sinh phù hợp với môi trường đại học. Điều này đang được Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Luật TPHCM hay Trường Đại học FPT thực hiện rất tốt./.
Mỹ Dung/VOV-TPHCM
Nguồn: VOV
Post a Comment