"Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm chưa đạt yêu cầu, số người chết chỉ giảm 0,75%, trong đó còn 26 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2017 và 10 tỉnh tăng trên 20%. Ùn tắc giao thông tại đô thị lớn đang có xu hướng gia tăng trở lại".

Thống kê trên được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ngày 5/7.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng cho rằng, nhờ sự quyết liệt của các cấp, ngành, và địa hương, tình hình trật tự an toàn giao thông  6 tháng đầu năm trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tốt. Tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí (giảm 6,19% về số vụ, giảm 0,75% về số người chết và giảm 11,44% về số người bị thương), nhưng giảm không sâu và chưa đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, khá nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó đáng chú ý là có 10 địa phương số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 20%, gồm: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh, trong đó, có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.

"Trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải đã xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 đã gây bức xúc trong dư luận. Hiện có hơn 4.200 đường ngang lối mở qua đường sắt trái phép, gây mất an toàn giao thông", Phó thủ tướng nêu rõ.

Tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng gia tăng, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách cố định; Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM và các trục giao thông chính có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, khi thời tiết xấu, khi có tai nạn hoặc sự cố phương tiện.

Cùng với đó vẫn còn tình trạng tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ như phản ánh của người dân và báo chí thời gian qua.

Đáng chú ý, theo Phó thủ tướng, việc để xảy ra nhiều vụ việc như trên, nhưng Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tại các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm đối với việc xử lý lối đi tự mở qua đường sắt, mới có Bộ Giao thông Vận tải xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng vừa qua.

Phó thủ tướng cũng lưu ý, phải "Tăng cường giáo dục, tuyên truyền và xử lý vi phạm việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Hình như các địa phương chấp hành nghiêm hơn Thủ đô Hà Nội trong việc này".

Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng yêu cầu sớm báo cáo Chính phủ về việc bổ sung Dự án sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá 14; xây dựng dự thảo Nghị quyết về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018-2021, thay thế Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 30/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Tp.HCM.

Phó thủ tướng yêu cầu xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là việc chia sẻ, liên thông dữ liệu xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của ngành công an và dữ liệu quản lý lái xe của ngành giao thông vận tải.

Thiết lập cơ chế "thông tin nóng" trên toàn tuyến Quốc lộ 1A và cao tốc để trao đổi, giải quyết tình hình phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đặc biệt là đầu tư hệ thống camera giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top