Bộ Thông tin và Truyền thông tới đây mang tên gì cho xác đáng cần phải thảo luận trong Chính phủ, tôi đưa ra một tên mới để các đồng chí thảo luận đó là Bộ Truyền thông và Kinh tế số. Tại sao lại không?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở quan điểm trên - đổi tên Bộ Thông tin và Truyền thông thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số - khi ông có bài phát biểu tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, sáng 28/12.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Do đó, theo Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông phải đặt vấn đề phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói riêng, là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghệ phát triển.

Đáng chú ý, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ trong việc xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm nền tảng để phát triển nền kinh tế số.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải trình Chính phủ ban hành Chỉ thị ngay trong tháng 1 để tiến tới trình Chính phủ chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. "Chúng ta phải có định hướng để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam", ông cho biết.

Liên quan đến gợi mở thành lập một Bộ Kinh tế số, trao đổi với VnEconomy, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nòng cốt là chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội, quản trị quốc gia.

Do vậy, theo ông Trực, trong nhiệm kỳ tới, nhiều lĩnh vực như kinh tế, kế hoạch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông… cần tái cấu trúc lại trong cơ cấu của Chính phủ. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nên chuyển thành Bộ Kinh tế số. Bộ Kinh tế số này đảm nhận việc xây dựng hạ tầng số, các nền tảng (platform)… cho kinh tế số, cho các ngành kinh tế, xã hội.

Đối với công tác quản lý báo chí, xuất bản, tuyên truyền mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý như hiện nay, theo ông Trực nên tách khỏi Bộ Kinh tế số trong tương lai và nên giao cho các ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương quản lý.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top