Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air cho Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air. Tổng vốn đầu tư dự án là 4.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng chiếm 27,66% vốn đầu tư còn lại vốn vay và huy động 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%.
Dự kiến, năm 2020 khai thác 6 tàu bay loại tầm ngắn/trung thân hẹp 150-220 ghế, trung bình hàng năm đưa vào khai thác thêm 6 tàu bay/năm và đến năm 2024 đội tàu bay đạt 30 chiếc, năm 2025 khai thác 30 chiếc. Thời gian hoạt động dự án 50 năm.
Kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, về quy mô dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đánh giá phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cho đến năm 2020. Tuy nhiên, đối với giai đoạn sau năm 2020, đề nghị nhà đầu tư lưu ý về Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất hết vị trí đỗ và slot để có phương án bố trí đội tàu bay đỗ qua đêm tại các cảng khác cho phù hợp.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giám sát việc phát triển đội tàu bay phù hợp với năng lực quản lý, quy hoạch, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không đảm bảo an toàn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên các kết quả thẩm định cũng đánh giá dự án phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất.
Về hiệu quả dự án, theo hồ sơ dự án, các chỉ tiêu tài chính dự kiến: Giá thị hiện tại thuần cuối năm thứ 5: 120,4 triệu USD, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ trong thời gian 5 năm: 22,74%/năm; thời gian hoàn vốn là 5-6 năm; dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023.
Về hiệu quả kinh tế xã hội, sau khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ mang đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 2.000 - 3.000 lao động.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nội dung đánh giá trên ở mức sơ bộ, các dữ liệu đầu vào chỉ là giả định. Việc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới, không còn vị trí đỗ tàu bay, slot khai thác trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh dự án. Ngoài ra hoạt động của dự án còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.
Do đó, đề nghị Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air tính toán về hiệu quả đầu tư dự án trên cơ sở phân tích dự báo đầy đủ các yếu tố.
Trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư phải rà soát năng lực phù hợp với hạ tầng sân bay căn cứ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay trong nước và quốc tế linh hoạt, đảm bảo có đủ slot cho máy bay phù hợp với mô hình khai thác. Rút kinh nghiệm từ các hãng đi trước.
Về nguồn vốn góp chủ sở hữu, công ty có 3 cổ đông góp vốn là Công ty Cổ phần Vinpearl góp 1.040 tỷ đồng, chiếm 80% vốn điều lệ, ông Phạm Khắc Phương góp 195 tỷ đồng chiếm 15% vốn điều lệ, ông Hoàng Quốc Thuỷ góp 65 tỷ đồng chiếm 5% vốn điều lệ, tổng giá trị số cổ phần đã góp tương ứng là 1.300 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, căn cứ vào các tài liệu có được Công ty Cổ phần hàng không Vinpearl Air có khả năng góp 1.300 tỷ đồng vốn để thực hiện dự án.
Số vốn vay còn lại, dự án đã có cam kết bước đầu của Ngân hàng về việc thu xếp nguồn vay, nhà đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện vay vốn để huy động nguồn vốn theo thực hiện dự án.
Trên cơ sở nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án cho Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu đã cung cấp trong hồ sơ dự án theo đúng quy định pháp luật.
Post a Comment