Khi đang ngồi viết những dòng này, cái chân băng bó của tôi phản đối, thi thoảng lên từng cơn đau nhói. Vơ chồng chúng tôi cưới nhau được 3 năm vẫn chưa có con. Anh là con trưởng, gia đình rất coi trọng chuyện dòng họ, con trai và người nối dõi. Từ lúc sinh ra anh được mọi người trong gia đình o bế, yêu thương hết mực. Cũng vì thế, chuyện không có con mà nguyên nhân đến từ tôi làm cho tôi thấy vô cùng áp lực. Anh muốn có con, nhìn bạn bè đứa nào con cái cũng đầy đủ cả, tôi thấy nét buồn trên khuôn mặt chồng hiện rõ. Đôi lúc anh cáu gắt với tôi về chuyện chữa trị để có con. Gia đình anh cũng nóng lòng, thường xuyên hỏi tôi về chuyện con cái. Thực ra, tôi đã cố gắng để có con, làm những món cho anh bồi bổ và tập yoga hàng ngày để tinh thần thoải mái nhưng không có kết quả. Tôi cảm thấy có lỗi với gia đình chồng ghê gớm.

Anh là người chồng và người con có trách nhiệm, chuyện kinh tế trong nhà anh luôn là người trụ cột. Nhưng thói quen ham nhậu nhẹt của anh luôn là đề tài gây xích mích trong gia đình tôi từ lúc mới kết hôn. Một tuần anh nhậu 3 đến 4 ngày; cuối tháng, khi trong túi của tôi chỉ còn khoảng 200 nghìn đồng và 5 ngày nữa mới lĩnh lương nhưng anh vẫn gọi điện thông báo có bạn tới nhậu. Chuyện này xảy ra cũng nhiều lần rồi, những lúc ấy mặc dù trong lòng rất buồn nhưng tôi luôn thể hiện sự vui vẻ để đón tiếp bạn bè. Tôi chưa bao giờ làm anh mất mặt trước bạn bè.

Cả buổi chiều tôi lo nấu nướng, chợ búa, dọn dẹp đống chiến trường, người mệt lử. Khi bạn đã về, anh nói lè nhè rồi ra vẻ bực bội về những chuyện không đâu. Lúc đó, trong đầu tôi cũng rất căng thẳng vì chuyện cô của anh gọi hỏi về chuyện con cái. Không kiềm chế được cơn giận, tôi đập vỡ cái tô đang rửa. Anh tức giận tính đập vỡ cả chậu bát nhưng tôi kịp ngăn lại. Sau anh đi ra ngoài, tôi nhìn thấy chân mình có máu chảy, mảnh tô vỡ khía vào phần thịt gần ngón chân út và tôi phải khâu 5 mũi. Đó là lần đầu tiên tôi thấy hậu quả của những cơn tức giận, thiếu kiềm chế.

Những ngày sau đó, chân tôi bắt đầu sưng lên và không đi lại được. Buổi sáng anh dậy trễ, lật đật đi làm. Hôm nào nhớ thì anh gọi điện nhờ bạn tôi mua đồ ăn sáng giùm cho tôi. Buổi trưa tôi kiếm cái gì đó ăn tạm, buổi chiều anh về ghé qua chợ mua đồ ăn rồi kêu tôi nấu cơm. Mỗi lần di chuyển là cái chân của tôi đau nhói. Trong lúc chồng lên mạng xem tin tức, tôi lò cò chuẩn bị bữa tối. Ăn xong, Aah tiếp tục lướt web hoặc xem phim còn tôi co một chân để rửa chén và dọn dẹp. Những lúc ấy, nghĩ tới bố mẹ chăm sóc từng chút một khi bản thân bị bệnh làm tôi thấy tủi thân. Rồi tôi tự an ủi rằng không thể kỳ vọng chồng quan tâm như bố mẹ đẻ mình được, mình phải mạnh mẽ và tự lo cho bản thân trước.

Anh lớn lên trong gia đình với truyền thống rằng chuyện dọn dẹp, bếp núc là việc của phụ nữ. Mấy ngày về quê ăn tết, trời lạnh buốt, trong lúc tôi và mẹ chồng tất bật nấu nướng, dọn dẹp không có thời gian nghỉ thì anh ngồi nhậu hoặc qua nhà bạn bè chơi. Tôi tự an ủi mình cũng may có mẹ chồng dễ tính và chịu san sẻ công việc chứ không chắc không thể làm hết nổi.

Mặc dù lối sống của anh không như tôi mong đợi nhưng anh vẫn là người chồng có trách nhiệm và nói chung cũng là người tốt. Thế nhưng tôi không thể sống suốt đời với cảm giác tội lỗi với anh và gia đình anh vì không thể sinh con. Tôi có nghĩ tới tình huống xấu nhất là ly hôn nếu thêm một thời gian nữa không có con, để anh có thể cưới vợ khác. Sau này tôi có thể nhận con nuôi và sống như thế đến hết đời. Không biết suy nghĩ này của phụ nữ 30 tuổi như tôi có đúng không?

Thảo

Post a Comment

 
Top