Nếu bạn ưa thích mạo hiểm và đột phá, điều này chứng tỏ bộ não của bạn rất thông minh.
Phát hiện đáng ngạc nhiên này là một phần của dự án nghiên cứu hoạt động não bộ ở những thanh niên có mức độ mạo hiểm khác nhau trong cuộc sống. Các thử nghiệm đã được tiến hành tại Đại học Turku, Phần Lan. Bằng phương pháp sử dụng kết hợp giữa công nghệ chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) và Chụp khuếch tán theo lực (DTI), các nhà khoa học đã đo lường mức độ hoạt động và sự thay đổi trong cấu trúc não bộ khi có những hành vi mạo hiểm xảy ra.
Mục đích của dự án nhằm nghiên cứu quá trình đưa ra quyết định ở não bộ của những thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 19. Dựa trên kết quả bài kiểm tra tâm lý, họ được chia thành hai nhóm có mức độ hành động mạo hiểm thấp và cao. Ở nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng 34 tình nguyện viên.
Ban đầu, các nhà khoa học nghĩ rằng, những thanh niên trẻ mất nhiều thời gian để xem xét những điều họ sẽ làm khi đối mặt với một tình huống rủi ro nhất định sẽ có các mạng lưới thần kinh não bộ phát triển cao hơn so với những người đưa ra quyết định nhanh chóng. Tuy nhiên, kết quả của cuộc thí nghiệm đã cho thấy một điều hoàn toàn ngược lại.
Trong thực tế, các hình ảnh chụp não bộ của những nam thanh niên tham gia nghiên cứu cho thấy một sự khác biệt lớn trong một thứ gọi là "chất trắng”. Chất trắng (tương tự với chất xám trong não) có chức năng tạo thành mạng lưới thần kinh với độ dài tổng cộng khoảng 160.000 km. Chúng giúp truyền đi các tín hiệu dưới dạng các xung thần kinh và là yếu tố quan trọng tạo thành nền tảng cơ bản của hệ thống thông tin liên lạc nội bộ giữa các vùng khác nhau của não bộ.
Hệ thống này được cấu tạo nhằm phân tích và truyền tải thông tin một cách liên tục và hiệu quả. Đây là lý do vì sao chất trắng được so sánh có vai trò tương tự như là đường cao tốc vận hành trong não bộ. Ảnh chụp bằng công nghệ quét não cho thấy rằng những người ra quyết định nhanh chóng và chớp lấy cơ hội trong cuộc thử nghiệm lái xe trên mô hình ảo sẽ có lượng chất trắng nhiều hơn đáng kể so với những người do dự, đánh giá kĩ tình hình và chọn cách lái xe an toàn.
Các nhà khoa học tin rằng, lời giải thích cho vấn đề này nằm ở những thanh niên trẻ có lối sống tích cực và chủ động tìm kiếm thách thức. Họ đều tò mò, khao khát học tập và trải nghiệm cũng như ham muốn làm chủ mọi thứ xảy ra xung quanh mình. Điều này kích thích bộ não và từ đó hành động của họ thể hiện một sự kết hợp tuyệt vời của sự vui vẻ, nghiêm túc và cả thích thú.
Chính trong những điều kiện như vậy, các hóa chất mang tác dụng tích cực trong não sẽ được tiết ra, thúc đẩy những nhân tố góp phần vào sự tăng cường mạnh mẽ của mạng lưới thần kinh. Từ đó hình thành nền tảng cơ bản của những kỹ năng thể chất và tinh thần.
Vấn đề ở đây là nếu bạn chấp nhận rủi ro, bạn phải nắm được những kỹ năng cần thiết và chúng chỉ có được thông qua việc học tập. Tuy nhiên, nhiều người đã bị thất bại trong quá trình tiếp thu này. Dẫn đến khi họ mong muốn mạo hiểm lại không đủ kĩ năng để sống sót và tồn tại. Vì thế, kết quả của cuộc thí nghiệm có phần tương tự với lý thuyết tiến hóa của Darwin: “Nếu thích được mạo hiểm, bộ não của bạn phải đủ thông minh”.
Trong cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học đã sử dụng một trò chơi lái xe trên máy tính, trong đó người tham gia khi chơi ở những mức độ khó khác nhau sẽ có những điểm thưởng khác nhau. Cuộc hành trình ảo sẽ mô phỏng lộ trình thông qua 20 giao lộ có đèn giao thông.
Khi bắt đầu chạy xe, những người tham gia thí nghiệm sẽ được giao nhiệm vụ như sau. Khi đi đến giao lộ và gặp đèn vàng, họ sẽ có hai lựa chọn. Hoặc là dừng xe lại để chờ đèn xanh hoặc là chạy vượt luôn để về đến đích càng sớm càng tốt. Khi chờ đèn xanh sẽ mất 3 giây nhưng nếu vượt đèn đỏ và để gây ra tai nạn bạn sẽ mất 6 giây. Như vậy để về đích nhanh nhất, bạn phải vượt đèn đỏ và tránh va chạm. Tuy nhiên bạn sẽ không bao giờ biết trước khi nào sẽ có một chiếc xe khác xuất hiện ở giao lộ khiến bạn bị tai nạn.
Kết quả cho thấy những người có mức độ mạo hiểm cao luôn ra quyết định chớp nhoáng. Họ lạc quan, sẵn sàng chớp lấy cơ hội, và niềm tin mạnh mẽ rằng mình sẽ giành chiến thắng. Còn những người có mức độ mạo hiểm thấp thường bị rơi vào một tình huống khó xử. Họ lúc nào cũng bị dằn vặt bởi suy nghĩ có nên chấp nhận rủi ro hay không? Nếu xảy ra tai nạn bất ngờ thì sẽ như thế nào? Chính vì thế mỗi khi gặp đèn vàng họ luôn bị do dự và mất thời gian.
Táo bạo và sẵn sàng chấp nhận rủi ro sẽ kích thích mở rộng khả năng hoạt động của não bộ và góp phần vào việc học tập, xây dựng chiến lược thích nghi và phát triển với môi trường xung quanh.
Các nhà khoa học tin rằng kết quả của cuộc nghiên cứu là một đóng góp rất quan trọng đối với sự hiểu biết của con người về tầm quan trọng của các yếu tố như sự tò mò, táo bạo trong quá trình phát triển của não cũng như các kỹ năng về thể chất và tinh thần. Điều này sẽ giúp góp phần định hướng phương pháp giáo dục hiệu quả hơn ở cả hai đối tượng ưa thích an toàn và chấp nhận mạo hiểm.
Post a Comment