Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 07/2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là nhóm công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, không có tư cách pháp nhân, được gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.
Vốn điều lệ 281.500 tỷ đồng
Petro Vietnam và các doanh nghiệp trong Tập đoàn có tư cách pháp nhân; có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn.
Mục tiêu hoạt động của Tập đoàn là xác định và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên dầu khí của đất nước; kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại Petro Vietnam và vốn của Petro Vietnam đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành dầu khí, tập trung phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính là: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí, trong đó lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là cốt lõi; đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; năng động, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế…
Vốn điều lệ của Petro Vietnam tại thời điểm phê duyệt Điều lệ này là 281.500 tỷ đồng.
Hội đồng thành viên không quá 7 người
Cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của PVN gồm có: Hội đồng thành viên; Ban Kiểm soát; Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Bộ máy giúp việc, Ban Kiểm soát nội bộ.
Trong đó, Hội đồng thành viên Petro Vietnam là đại diện chủ sở hữu nhà nước trực tiếp tại Petro Vietnam; thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại Petro Vietnam, quyền của chủ sở hữu đối với các công ty con do Petro Vietnam đầu tư 100% vốn điều lệ và quyền của cổ đông/thành viên góp vốn đối với phần vốn góp của Petro Vietnam tại các doanh nghiệp khác.
Hội đồng thành viên Petro Vietnam có không quá 7 thành viên, làm việc theo chế độ chuyên trách (trừ thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc). Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên là 5 năm.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Vietnam do Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu theo đề nghị của Bộ Công Thương và thẩm định của Bộ Nội vụ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên phải có kinh nghiệm ít nhất 3 năm quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành, nghề kinh doanh chính của Petro Vietnam. Chủ tịch Hội đồng thành viên không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Petro Vietnam.
Thành viên Hội đồng Thành viên do Bộ Công Thương bổ nhiệm (trừ Chủ tịch Hội đồng Thành viên). Thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại nhưng chỉ được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên của Petro Vietnam không quá 2 nhiệm kỳ.
Điều lệ cũng nêu rõ: Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của Petro Vietnam theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên PVN, phù hợp với Điều lệ này; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên Petro Vietnam và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
Tổng giám đốc Petro Vietnam là thành viên Hội đồng thành viên Petro Vietnam. Trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của tập thể Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Tổng giám đốc Petro Vietnam do Hội đồng thành viên Petro Vietnam quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Công Thương. Tổng giám đốc được bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 5 năm.
Post a Comment