Thiết kế thế nào vẫn có nhược điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết về các phương án mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Báo cáo của ông Định được trình bày trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị, hành chính - kinh tế đặc biệt, sáng 11/1. Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2017, với khá nhiều ý kiến trái chiều về nhiều vấn đề.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, vấn đề xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương và việc thiết kế các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) là hai vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của dự thảo luật.
Sau kỳ họp Thường trực Uỷ ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, dự kiến phương án tiếp thu chỉnh lý các nội dung này.
Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu.
Phương án 1:không tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc khu. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.
Phương án 2:tổ chức chính quyền địa phương đặc khu gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
Tại kỳ họp thứ tư, đa số ý kiến đại biểu phát biểu tán thành với phương án 1, một số ý kiến tán thành với phương án 2, một số ý kiến khác đề nghị xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án do Chính phủ trình.
Đề xuất phương án mới
Kết hợp các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm của phương án 1 và phương án 2, nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban đề xuất thiết kế phương án 3 về tổ chức bộ máy chính quyền đặc khu.
Theo phương án 3, chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân đặc khu, được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đặc khu cho chủ tịch ủy ban đặc khu.
Cụ thể, hội đồng đặc khu và ủy ban đặc khu được tổ chức tinh gọn theo hướng: hội đồng đặc khu có từ 12 đến 15 đại biểu, tất cả hoặc đa số đại biểu hoạt động chuyên trách, không tổ chức thường trực hội đồng đặc khu và các ban của hội đồng đặc khu.
Hội đồng đặc khu có cơ cấu, thành phần đại biểu phù hợp với đặc điểm của đặc khu (bao gồm đại diện cử tri ở các khu hành chính, các chuyên gia về pháp luật, kinh tế, tài chính, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn). Ủy ban đặc khu chỉ bao gồm chủ tịch và các phó chủ tịch. Chủ tịch do hội đồng đặc khu bầu theo giới thiệu của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Phương án này thì hội đồng đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan tới nhân sự chủ chốt, định hướng phát triển, ngân sách, một số vấn đề liên quan trực tiếp tới cộng đồng dân cư địa phương và tập trung thực hiện chức năng giám sát.
Ông Định thuyết minh, phương án này phân định rành mạch giữa nhiệm vụ, quyền hạn tập thể của ủy ban đặc khu và nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch ủy ban đặc khu, theo đó ủy ban đặc khu chủ yếu thảo luận, quyết định các vấn đề trình hội đồng đặc khu và tổ chức thực hiện các nghị quyết của hội đồng đặc khu.
Hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại đặc khu được tập trung cho chủ tịch ủy ban đặc khu để tăng tính chủ động, linh hoạt (tương tự các nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đặc khu theo phương án 1 do Chính phủ trình).
Phương án này cũng bổ sung một số quy định về cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại địa phương để tăng cường kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương tại đặc khu.
Các cơ chế giám sát, kiểm soát khác (giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân tỉnh, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; kiểm tra của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên) vẫn được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Xin ý kiến Bộ Chính trị
Theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, phương án ba thực chất là phương án kết hợp nhiều ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và được hoàn thiện thêm để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án.
Nếu thực hiện theo phương án này sẽ có các ưu điểm là: bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của đặc khu. Thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân.
Có nhiều đổi mới mạnh mẽ phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính đặc khu, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị. Ưu điểm còn là không đòi hỏi phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Phương án này cũng tiếp thu kinh nghiệm của một số nước có đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế là đơn vị hành chính (Thâm Quyến - Trung Quốc, Thành phố quốc tế tự do Jeju - Hàn Quốc) đều vẫn tổ chức chính quyền có cơ quan đại diện dân cử, ông Định phân tích.
So với phương án 1 do Chính phủ trình, phương án mới thiết lập cơ chế giám sát hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở đặc khu, tạo cơ chế chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân địa phương.
Tuy nhiên cũng có một số hạn chế so với phương án 1 là chưa thật sự tinh gọn bộ máy và đơn giản hóa trình tự, thủ tục do vẫn giữ cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương gồm các cơ quan có cơ chế làm việc tập thể. Một số nhiệm vụ được giao cho hội đồng đặc khu, ủy ban đặc khu quyết định nên không bảo đảm nhanh chóng, linh hoạt và nếu việc điều hành bộ máy không tốt có thể gây khó khăn, cản trở sự năng động của người đứng đầu cơ quan hành chính.
Phương án nào cũng có khuyết điểm, ông Định nhấn mạnh và cho biết Thường trực Uỷ ban đã biểu quyết về từng phương án. Kết quả có 3/12 thành viên tán thành phương án 1, không có thành viên nào tán thành phương án 2 và có 9/12 thành viên tán thành phương án 3.
Đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung, kết cấu của dự thảo luật, vì vậy Thường trực uỷ ban và cơ quan soạn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, đồng thời, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, ông Định nhấn mạnh.
Post a Comment