Cách đây 3 năm, em tốt nghiệp một trường đại học ở miền Trung. Sau khi tốt nghiệp, em vào Sài Gòn làm việc với hai bàn tay trắng, nhiều lúc trong túi chỉ còn vài nghìn mua mì gói cầm cự qua ngày chờ tháng lương đầu tiên. Thế mà mẹ chẳng bao giờ quan tâm, hỏi han cuộc sống của em thế nào, ăn uống ra sao, gọi điện về nhà mẹ chỉ hỏi đến tiền.
Tết năm ngoái, em mang về nhà được mười mấy triệu. Em sắm đồ trong nhà, cho tiền mẹ, chỉ để lại vài trăm nghìn trong túi tiêu Tết. Lúc vào lại Sài Gòn, em xin mẹ ít tiền để ăn uống trong mấy ngày chờ nhận lương. Lúc đó, mẹ em nói một câu "Đi làm cả năm, về mang có nhiêu đó mà còn xin xỏ". Em thấy buồn lắm. Nhiều khi rảnh rỗi về chơi nhưng vừa ló mặt về đến nhà, mẹ lại đọc bài ca tiền đâu. Đôi lúc thấy các bạn được mẹ của họ quan tâm, hỏi han, chăm sóc mà ghen tỵ. Còn em, mỗi lần gọi điện về, mẹ chỉ hỏi nhận lương chưa, Tết tây có thưởng chưa. Em chỉ ước ao mẹ mình có thể tâm lý hơn một chút xíu là thấy vui lắm rồi. Đợt này em buồn, thấy cực khó chịu, khóc nhiều lắm, không làm được việc gì cả.
Linh
Trả lời
Chào Linh!
Đạo đức là chuẩn mực người xưa để lại cho người sau tránh vấp ngã, tuy nhiên đạo đức lại phụ thuộc vào lợi ích, giai cấp, phong tục… Vì vậy, chưa hẳn trong xã hội mọi người đã đồng ý với nhau về quan niệm đạo đức. Dù vậy, đạo đức vẫn dễ điều chỉnh hơn vì nó có những tiêu chuẩn để người ta chiếu vào, còn tâm lý lại hoàn toàn mang tính cá nhân. Mặc dù tâm lý chịu ảnh hưởng lớn từ xã hội, song khi giải quyết một vấn đề tâm lý lại không như nhau, dù cùng một hiện tượng. Như vậy, bạn cần phải giải quyết vấn đề tâm lý của mình và mẹ chứ không nên căn ke, so sánh với người khác.
Được học đại học ở miền Trung đã là hơn rất nhiều người, bạn nên hãnh diện vì được mẹ nuôi nấng, nếu không bạn đã chẳng có ngày hôm nay. Đây là vấn đề mang tính lịch sử, không ai thay đổi được dù có đồng ý hay không. Những người khi giải quyết vấn đề không dựa trên yếu tố lịch sử sẽ trở nên mơ hồ, dù họ có thành công cũng không bền vững.
Với mẹ bạn, có lẽ suốt đời lo nghĩ để chắt chiu tiền nuôi con, khi thấy con ra trường ở bậc đại học, bà nghĩ đã đến lúc bà không còn khổ vì tiền nữa, bởi với bà, tốt nghiệp đại học tức là đi làm, kiếm được nhiều tiền. Khi bạn ra trường chưa thể làm ra nhiều tiền ngay, sống xa nhà, mọi thứ phải lo toan, còn mẹ bạn lại không thể hình dung con gái mình đã học đại học mà như vậy. Bà thay đổi tính cách trước đây, từ lo cho con học sang con phải đem tiền về. Mẹ bạn đang rơi vào trạng thái tâm lý cực đoan, cho rằng mình đúng mà không suy xét đến người đối diện. Muốn thay đổi cần phải có hoàn cảnh chứng kiến hiện thực. Nếu bạn chỉ nói, chỉ kể về những khó khăn của mình, mẹ bạn sẽ không hiểu, có khi còn kết tội “nó học hành rồi bây giờ chỉ lo cho thân nó”.
Bạn nên tìm cách đón mẹ vào Sài Gòn, nếu nhiều thì 1, 2 tháng, ít khoảng 1 tuần để mẹ hiểu hơn về cuộc sống của bạn, may ra mẹ bạn mới thay đổi. Còn hiện giờ bạn cần vui vẻ với mẹ mình. Có mẹ là quý rồi, dù mẹ có gì đi nữa thì vẫn hơn không có mẹ. Bạn phải tự biến những đòi hỏi của mẹ thành nỗ lực và thông báo thường xuyên về cuộc sống khó khăn ở Sài Gòn, hoặc nhờ một người có uy tín ở quê tác động với mẹ. Đó là cả một quá trình, không được áp đặt ý chí của bạn lên mẹ. Hãy tìm cách giúp mẹ có niềm vui nho nhỏ, để tự mình vượt lên. Cuộc sống khó khăn là một thử thách, bạn hãy vững tin và cố gắng có công việc, sự nghiệp vững vàng.
Hãy ứng xử khéo léo, đừng suy nghĩ tiêu cực, trách móc mẹ, nếu không bạn sẽ càng khổ, có khi còn mắc bệnh oán trách người khác rất nguy hiểm. Bạn hãy vượt qua từng bước, tính xa nhưng lo gần và cụ thể, đừng miên man, đừng nghĩ rằng mẹ mình cần có “tâm lý chút xíu thôi”, mẹ bạn đang ở trạng thái bất mãn đấy, hãy tế nhị và tạo niềm tin cho mẹ thì người được hưởng là bạn ngay bây giờ. Chúc bạn vượt qua tính bất thường, bất mãn của mẹ mình.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)
Post a Comment