Hầu hết thuê bao 4G đều từ người dùng 3G chuyển lên. Tuy nhiên, tiềm năng cho "cuộc chơi" 4G tại Việt Nam lại được nhìn từ 2G khi hơn 70 triệu thuê bao vẫn chưa dùng dữ liệu (data).
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, hết năm 2017, số thuê bao điện thoại di động nói chung (gồm 2G, 3G và 4G) của Việt Nam là 119,7 triệu, giảm 1,3% so với năm 2016. Chi tiết hơn, trên website của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, công bố số thuê bao 2G (có phát sinh lưu lượng) tính đến tháng 10/2017 là 76,4 triệu thuê bao, còn 3G là 41,5 triệu thuê bao.
Bảng biểu của Cục Viễn thông vẫn chưa có thống kê về thuê bao 4G.
"Phải lấy thị phần từ 2G"
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại, số thuê bao 4G của Việt Nam ít nhất là trên 10 triệu, bởi trong đó Viettel công bố hết năm 2017 đã có 8 triệu thuê bao 4G. Nếu so với 3,5 triệu thuê bao (theo Cục Viễn thông) công bố hồi tháng 7/2017 thì số thuê bao 4G đã tăng trưởng khá nhanh, khoảng 200%.
Hầu hết thuê bao 4G hiện đều từ thuê bao 3G chuyển lên. Về bản chất, cả 3G và 4G đều là data nên tổng số thuê bao sử dụng data sau chuyển dịch là không thay đổi. Tức thuê bao 4G tăng lên thì đồng nghĩa 3G sẽ giảm đi. Trong khi các nhà mạng đang cung cấp song song 3G và 4G nên phải vận hành hai mạng lưới do đó sẽ không tối ưu được hiệu quả kinh doanh data.
Theo ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), người dùng dữ liệu hiện chiếm khoảng 40% trong tổng thuê bao điện thoại di động nên điều quan trọng nhất là phải làm cho miếng bánh dữ liệu nở ra thành 60 - 70%. Số tăng lên này chắc chắn phải được lấy từ 2G.
"Nếu không làm cho miếng bánh data nở ra thì cả 3G, 4G đều thiệt, vì nhà mạng phải vận hành hai mạng lưới, chi phí gấp đôi, khấu hao gấp đôi nhưng số thuê bao (data) vẫn vậy", ông Dũng nói và cho biết "làm data khó khăn nhất là phải "kéo" những người chỉ có nhu cầu dùng voice (gọi) lên sử dụng data".
Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), ông Trần Mạnh Hùng, cũng nhìn nhận dư địa cho "miếng bánh" data còn rất lớn bởi trên toàn mạng VinaPhone hiện vẫn còn 50% người dùng là dùng máy 2G. Theo ông, thời gian tới, khi người dùng chuyển sang máy có tính năng 4G nhiều hơn thì số thuê bao 4G cũng lớn hơn rất nhiều.
Kéo 2G lên 4G bằng cách nào?
Sau nhiều năm kinh doanh, các nhà mạng về cơ bản đã thu hồi vốn đầu tư và có lãi đối với công nghệ 3G từ một hai năm nay. Ông Lê Đăng Dũng cho rằng, trường hợp tất cả các thuê bao 3G chuyển lên 4G thì nhà mạng này sẵn sàng "chạy rỗng" mạng 3G và có thể tắt mạng 3G, dùng tần số 3G cho 4G.
Thứ nữa, số thuê bao 3G sau khi chuyển lên 4G thì ARPU data (doanh thu trung bình của một thuê bao) cũng tăng lên, nghĩa là nhà mạng "kiếm" tiền từ 4G nhiều hơn 3G, do tốc độ nhanh hơn, người dùng sử dụng nhiều dữ liệu hơn, cho dù giá bán trên mỗi dữ liệu là rẻ hơn.
Thống kê của Viettel, nhà mạng có số trạm 4G lớn nhất hiện nay, như tại Bà Rịa – Vũng Tàu, doanh thu từ 4G cao hơn 50-70 nghìn đồng so với 3G, còn tại Bình Thuận doanh thu trung bình của khách hàng đã tăng lên từ 7-10%.
Miếng bánh 4G dù vậy vẫn được nhà mạng nhìn từ tiềm năng 76 triệu thuê bao 2G. Tất nhiên sẽ không thể nào "kéo" được cả hơn 70 triệu thuê bao 2G còn lại lên dùng 4G vì đặc điểm khách hàng ở nông thôn, miền núi vẫn chiếm phổ biến cũng như nhu cầu sử dụng, trừ phi dùng chính sách tắt mạng 2G – dù điều này đã được đề cập - nhưng nếu thực hiện thì phải rất nhiều năm nữa.
Trong khi để hút thuê bao 2G chuyển lên 4G thì cần thiết phải giải quyết 3 yếu tố, gồm: thiết bị đầu cuối (smartphone 4G) phải đủ rẻ; giá cước rẻ và đặc biệt yếu tố thứ ba là các ứng dụng nội dung.
Về smartphone 4G thì mức giá bán đối với dòng sản phẩm này ngày càng rẻ, rất nhiều mẫu điện thoại đến từ nhiều thương hiệu trên toàn cầu chỉ từ 1,5 – 2,5 triệu đồng là đã có tính năng 4G và giá được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống. Các mạng di động cho rằng, quan trọng là khi có sóng 4G thì nhu cầu phổ cập điện thoại 4G sẽ mở rộng nhanh hơn.
Về giá cước. Đây đang là cuộc đua khốc liệt nhất của các nhà mạng nhằm thu hút thuê bao mới. Trong cuộc đua này, MobiFone và VinaPhone đang dẫn đầu khi tung ra các gói cước có giá 90 nghìn đồng cho 60GB một tháng, và mỗi ngày người dùng sẽ nhận được 2GB tương đương với giá của một cốc trà đá (3.000 đồng).
Đại diện một nhà mạng cho rằng, khi giá cước data quá rẻ, cùng với việc nhà mạng cho gọi miễn phí nội mạng thì việc thu hút thuê bao 2G chuyển lên 4G không phải là điều quá khó.
Yếu tố thứ ba là các ứng dụng nội dung. Kinh nghiệm từ nhiều thị trường, để 4G phát triển bùng nổ, quan trọng nhất là các ứng dụng nội dung, tức là tạo cho người dân không thể sống thiếu được smartphone, khi không cầm smartphone người ta cảm thấy không sống được trong xã hội. Thị trường điển hình nhất như Trung Quốc với các ứng dụng Alibaba và Wechat.
"Sinh ra a lô thì ai cũng a lô được, nhưng sinh ra data thì người dân phải có nhu cầu", ông Lê Đăng Dũng, đúc kết.
Post a Comment