Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam
Thứ Tư, 30/03/2011, 01:37:00
Tàu dịch vụ của PTSC phục vụ việc khai thác dầu ngoài khơi Vũng Tàu.
Với trách nhiệm và vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển dịch vụ dầu khí, phấn đấu đến năm 2015 đạt 25 -30% tổng doanh thu toàn ngành nhằm phát huy nội lực và kích cầu dịch vụ trong nước, Ðảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 233/NQ-ÐU ngày 17-3-2009 về “phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn” nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển dịch vụ chiến lược đã đề ra, bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững.
Kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 233
Thực hiện Nghị quyết 233 của Ðảng ủy Tập đoàn; ngày 11-6-2009, Hội đồng quản trị nay là Hội đồng thành viên (HÐTV) Tập đoàn đã ban hành Quyết định số 4232/QÐ-DKVN để hướng dẫn các đơn vị thực hiện và phối hợp thực hiện các dịch vụ dầu khí trong toàn Tập đoàn, làm cơ sở cho các đơn vị tổ chức thực hiện với mục tiêu chủ đạo là tối đa hóa tỷ trọng cung cấp và sử dụng dịch vụ của các đơn vị dịch vụ trong Tập đoàn trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực về cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng, máy móc và nguồn nhân lực của các đơn vị trong Tập đoàn. Sau hai năm thực hiện Nghị quyết, kết quả đạt được trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Tập đoàn đã có bước đột phá quan trọng, Tập đoàn đã phát triển được nhiều sản phẩm dịch vụ mới, luôn đạt được mức tăng trưởng cao qua các năm, doanh thu dịch vụ năm 2009 đạt 35,4% và năm 2010 đạt 32% trong tổng doanh thu toàn Tập đoàn, cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết 233 đề ra. Mức tăng doanh thu dịch vụ dầu khí góp phần giữ được nguồn ngoại tệ để đầu tư cho các dự án lớn tại Việt Nam, không để ngoại tệ chảy ngược ra nước ngoài, góp phần cùng Chính phủ cân đối nguồn ngoại tệ xuất – nhập khẩu.
Năm 2010, doanh thu dịch vụ đạt 152,5 nghìn tỷ đồng, bằng 135% kế hoạch, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2009, chiếm 32% tổng doanh thu toàn Tập đoàn; việc mở rộng dịch vụ dầu khí ra nước ngoài đang được các đơn vị: PVD, PTSC, PVI, PVC… tích cực triển khai; uy tín và thương hiệu của các đơn vị làm dịch vụ ngày càng được khẳng định, đặc biệt năm 2010, PVI đã được Tạp chí World Finance trao giải thưởng là doanh nghiệp bảo hiểm tiêu biểu nhất Việt Nam, dự án kho chứa/xuất dầu FSO5 đã đón dòng dầu đầu tiên tại lô 09-1 mỏ Bạch Hổ vào ngày 8-11-2010; các dự án đầu tư phát triển dịch vụ như: đóng tàu vận tải dầu thô, đóng giàn khoan 90 m nước ở trong nước, Cảng dịch vụ Dầu khí Phước An – Ðồng Nai,… đang được triển khai theo kế hoạch.
Bên cạnh việc phát triển các dịch vụ truyền thống; năm 2009-2010, Tập đoàn đã phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới thuộc các lĩnh vực chuyên ngành chủ yếu của Tập đoàn để nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị dịch vụ trong Tập đoàn, điển hình các dịch vụ: Thực hiện Tổng thầu (EPC) các công trình dầu khí, đóng mới giàn khoan, đóng mới và sửa chữa phương tiện nổi, dịch vụ khảo sát địa chấn 2D, dịch vụ bảo dưỡng và vận hành các công trình dầu khí, dịch vụ giám định, kiểm định năng lượng, dịch vụ bọc ống, chế tạo và cung cấp cọc bê-tông đúc sẵn, dịch vụ vận tải sản phẩm dầu, dịch vụ cung cấp CNG, cung cấp xăng E5…
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí tổng doanh thu thực hiện cả năm 2009 đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2008 và doanh thu năm 2010 là 20.800 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2009; Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí doanh thu năm 2009 tăng 10% so với năm 2008 và năm 2010 tăng 75% so với năm 2009 do khai thác tối đa hiệu quả các giàn khoan và dịch vụ khoan; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí năm 2009 đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2008 và năm 2010 đạt 3.900 tỷ đồng, tăng trưởng 30%; Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí năm 2009 đạt 5.658 tỷ đồng tăng 26% so với năm 2008 và năm 2010 đạt 6.720 tỷ đồng tăng 19% so với năm 2009. Thương hiệu, năng lực cạnh tranh của các đơn vị trên thị trường dịch vụ được nâng cao, một số đơn vị đã vững vàng, tự tin vươn ra thị trường dịch vụ dầu khí thế giới, như: PTSC, PVEP, VSP, PVD, PVC, PVOil, PVI…
Chất lượng dịch vụ được nâng cao
Ðến nay, hầu hết các đơn vị dịch vụ của Tập đoàn đều có đủ năng lực và khả năng cạnh tranh để thực hiện được 100% yêu cầu dịch vụ theo mục tiêu trọng tâm của từng đơn vị; điển hình là: Xí nghiệp Liên doanh (XNLD) Vietsovpetro (dịch vụ vận hành các giàn khai thác dầu khí, khoan tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, xây lắp các công trình biển, dịch vụ khoa học công nghệ…), PTSC (dịch vụ xây lắp các công trình biển, tàu thuyền, kho/bãi); PVD (khoan và dịch vụ khoan); PVC (xây lắp các công trình dầu khí trên bờ, trên biển, các công trình dân dụng dầu khí); PVGas (vận chuyển khí bằng đường ống, cung ứng khí dân dụng, LPG, CNG), PVTrans (vận chuyển dầu thô, sản phẩm dầu, khí, hóa chất), PVOil (dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu dầu thô và xăng dầu, cung ứng các sản phẩm dầu), PVI (cung cấp dịch vụ bảo hiểm), PVFC (cung cấp dịch vụ tài chính); EIC (cung cấp dịch vụ kiểm định năng lượng, dịch vụ O&M), và các đơn vị khác: DMC, VPI, PVMTC… Trình độ, năng lực của đội ngũ làm dịch vụ đã được nâng cao, đủ khả năng vận hành được các công trình đòi hỏi trình độ chuyên môn cao mà trước đây phải thuê nhà thầu và chuyên gia nước ngoài thực hiện; đến nay, đội ngũ cán bộ dịch vụ của Tập đoàn đủ khả năng làm tổng thầu thực hiện các công trình mà trước đây phải thuê nhà thầu nước ngoài hoặc nhà thầu ngoài ngành thực hiện như: Nhà máy nhiệt điện Long Phú I (PTSC thực hiện), Nhiệt điện Thái Bình II (PVC thực hiện, đường ống khí PM 3 – Cà Mau và đường ống khí Lô B – Ômôn (VSP thực hiện), các giàn khai thác dầu khí (VSP, PTSC thực hiện), dự án Ethanol Phú Thọ (PVC thực hiện), dự án Ethanol Dung Quất (PTSC thực hiện), các công trình dân dụng dầu khí (PVC thực hiện)…; đủ khả năng thực hiện vận hành 100% công trình: giàn khai thác dầu khí, giàn khoan tự nâng, FSO, FPSO, nhà máy đạm, nhà máy nhiệt điện khí, các công trình khí, đội tàu dịch vụ, hệ thống kho, căn cứ dịch vụ…; thực hiện các dịch vụ bọc ống, đóng giàn khoan, đóng tàu, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, kiểm định năng lượng, thông tin, khoa học công nghệ, đào tạo, thương mại…
Những năm gần đây, các đơn vị đã tích cực triển khai công tác dịch vụ ra nước ngoài; trong đó, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã ký Hợp đồng tư vấn bảo hiểm cho Rusvietpetro tại Liên bang Nga, ký Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm giữa PVI và Công ty Bảo hiểm SOGAS – do Gazprom sở hữu cổ phần chi phối; Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) ký Thỏa thuận Hợp tác với Công ty Xây lắp Zarubezhneft Stroimantaz và Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) ký hợp đồng cung cấp loại hình tàu PSV DP2 cho Talisman Malaysia Limited với tổng giá trị hợp đồng hơn 35 triệu USD, Petrosetco đạt doanh thu dịch vụ ra nước ngoài năm 2009 và 2010 là 55 triệu USD.
Sự phát triển vượt bậc của các đơn vị dịch vụ trong Tập đoàn trong năm 2009, 2010, đã có tác động quan trọng vào việc giảm phải thuê dịch vụ nước ngoài, ngăn nguồn ngoại tệ chảy ngược ra nước ngoài, góp phần cùng Chính phủ cân đối nguồn ngoại tệ xuất – nhập khẩu, giảm nhập siêu. Cụ thể: Năm 2009 tiết kiệm ngoại tệ là 2,67 tỷ USD và năm 2010 tiết kiệm ngoại tệ là 6,2 tỷ USD.
Một số hạn chế, yếu kém và giải pháp khắc phục
Ðẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Tập đoàn trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên, kết quả đạt được chưa phản ánh hết khả năng và năng lực hiện có của Tập đoàn (chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Tập đoàn), thể hiện ở việc: Một số đơn vị chưa xây dựng hệ thống văn bản pháp quy (các quy định, quy chế) để cụ thể hóa Nghị quyết 233 của Ðảng ủy Tập đoàn.
Một số đơn vị ít quan tâm việc nâng cao năng lực để mở rộng thị trường dịch vụ ra bên ngoài: chưa tích cực xây dựng thông tin thị trường, đào tạo đội ngũ tiếp thị, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa dịch vụ, chưa tạo được các mối liên kết kinh tế, bổ sung kinh nghiệm, năng lực cho nhau để tiến tới có sản phẩm dịch vụ trọn gói.
Tính chủ động phối hợp giữa các đơn vị chưa cao, việc hình thành tổ hợp các đơn vị trong Tập đoàn để tạo sức mạnh trong cạnh tranh còn do Tập đoàn chỉ đạo; Mặc dù Tập đoàn đã có Nghị quyết 233 và các quyết định, chỉ thị về thực hiện dịch vụ nhưng một số đơn vị cung cấp dịch vụ chưa chủ động làm việc với chủ đầu tư để tổ chức đàm phán, thống nhất cung cấp dịch vụ và ngược lại các đơn vị có nhu cầu thuê dịch vụ cũng chưa chủ động thông tin, tạo điều kiện cho đơn vị trong ngành thực hiện, cụ thể là: Trong năm 2009 và 2010, Tập đoàn đã phải xử lý gần 100 văn bản riêng lẻ liên quan đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ nội bộ. Còn hiện tượng được Tập đoàn và các đơn vị trong ngành giao cho thực hiện dịch vụ, đơn vị lại chuyển một phần cho các đơn vị ngoài ngành thực hiện; chủ yếu là do phần lớn giá trị các dịch vụ về cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên/nhiên liệu phục vụ cho sản xuất, các đơn vị đều thông qua các nhà thầu ngoài Tập đoàn cung cấp (cả các nhà thầu trong nước và ngoài nước). Một số loại hình dịch vụ được các đơn vị trong Tập đoàn cung cấp với tư cách là công ty trung gian, môi giới, phí dịch vụ được tính ở mức cao, do đó dẫn tới việc giá thành của sản phẩm, dịch vụ cung cấp cao làm tổng giá trị vượt quá ngân sách cho phép. Giá dịch vụ của một số đơn vị chào cao hơn so với giá thị trường nên gặp khó khăn trong việc phối hợp thực hiện dịch vụ. Ðối với các dự án đòi hỏi công nghệ cao và phức tạp, tỷ trọng dịch vụ sử dụng của nước ngoài còn chiếm một phần không nhỏ, do phần lớn các máy móc thiết bị chính của dự án đều do nước ngoài sản xuất.
Tập đoàn đã chủ động hơn trong việc thực hiện tiến độ các dự án đầu tư góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và chủ động trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển. Theo đồng chí Ðinh La Thăng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐTV PVN, ‘trong thực tế hai năm vừa qua, một số đơn vị có biểu hiện lạm dụng chủ trương của Tập đoàn về cung cấp dịch vụ, cạnh tranh chưa lành mạnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng dịch vụ. Một số đơn vị cung cấp dịch vụ nhưng không bám sát và kịp thời nắm bắt thông tin, làm việc cụ thể với đơn vị sử dụng dịch vụ, chỉ khiếu nại Tập đoàn hỗ trợ khi không trúng thầu hoặc gói thầu đã được giao thầu cho đơn vị khác ngoài ngành thực hiện. Ðây là những yếu kém, tồn tại cần tập trung chấn chỉnh và khắc phục.
Ðồng chí Ðinh La Thăng cho rằng: ‘Việc ban hành Nghị quyết 233 đã đem lại tác dụng to lớn và ý nghĩa thiết thực trong việc tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao về sự cần thiết, tất yếu phát huy nội lực, tăng cường sử dụng dịch vụ trong ngành; Nghị quyết đã thật sự đi vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị, được thấm nhuần sâu trong tư duy của các cấp lãnh đạo đơn vị, sự quan hệ qua lại giữa các đơn vị sử dụng và cung cấp dịch vụ trong Tập đoàn đã có chuyển biến rõ nét, qua đó đã tạo nên sự gắn kết, chia sẻ, cảm thông, hỗ trợ lẫn nhau làm cho sức mạnh của từng đơn vị được tăng lên gấp bội và làm tăng sức mạnh chung của cả Tập đoàn’.
Triển vọng phát triển và mở rộng mạng lưới dịch vụ dầu khí là rất to lớn. Trọng tâm sắp tới của Tập đoàn là đẩy mạnh phát triển dịch vụ kỹ thuật như cho thuê tàu dịch vụ, phát triển đội tàu vận tải chuyên ngành dầu khí phát triển dịch vụ vận hành khai thác các giàn khoan. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của ngành dầu khí. Vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa tăng thu ngoại tệ cho đất nước. Khẳng định tiềm năng, thế mạnh của các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Phú Hoàng
Theo:
http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/15787002-.html
Post a Comment