Tôi năm nay 30 tuổi, kết hôn được 5 năm, có một con trai gần 4 tuổi. Tôi lấy chồng cùng quê, cả hai vợ chồng đều ra thành phố học hành rồi lập nghiệp. Gia đình chồng tôi vẫn ở quê, không khá giả, bố mẹ có lương hưu nhưng không nhiều (chúng tôi không phải chu cấp hàng tháng, chỉ thỉnh thoảng biếu và lo khi gia đình có việc cần dùng nhiều tiền), dưới chồng tôi còn một em trai, cũng làm ở thành phố, đã lập gia đình. Còn nhà đẻ tôi bình thường, lương hưu bố mẹ đủ sống, dưới tôi có một em gái, đã lập gia đình.

Ở quê tôi còn khá nhiều suy nghĩ cũ, như: về làm dâu thì phải chăm lo cho nhà chồng (kiểu nhà đẻ chỉ là phụ, muốn về nhà đẻ phải được sự đồng ý của nhà chồng), phụ nữ phải làm hết việc nhà, đàn ông không cần động tay chân, lễ Tết con gái phải lo nhà chồng trước, có khi mùng 3, mùng 4 mới được về nhà đẻ chơi… Nhà tôi 2 chị em gái, nghĩ tới cảnh giao thừa chỉ có bố mẹ thui thủi, chuẩn bị Tết chẳng có ai, trong khi mình thì sắm sửa ở nhà chồng mà ứa nước mắt, nhiều khi cảm thấy hận cái thân phận phụ nữ của mình.

Năm nay, em chồng đã có vợ, tôi muốn xin phép bố mẹ chồng cho lên ngoại đón giao thừa (nhà nội – ngoại cách nhau 60km) nhưng lại sợ ông bà phật lòng, khó chịu. Tôi là người hay để ý đến cảm xúc của người khác nên rất quan tâm tới thái độ của bố mẹ chồng.

Hôm vừa rồi, bố đẻ tôi bệnh. Khi 2 bố con đang nói chuyện vu vơ thì tự nhiên bố nhắc tới chuyện con trai con gái. Bố bảo “Hay đứa thứ 2 để họ của bố đi”. Bố chỉ nói với tôi vì em gái tôi sinh con gái, nhà chồng nó cũng 2 anh em trai. Nhìn bố buồn mà lòng tôi chua xót. Tôi biết bố nghĩ đơn giản và bởi khao khát có người mang họ mình để tiếp nối dòng họ. Xin nói thêm là bố rất thương yêu chị em tôi, từ nhỏ ai nói gì bố cũng bỏ ngoài tai và lo cho 2 chị em hết sức có thể. 

Với nhiều người chuyện của tôi là đơn giản, nhưng chính bản thân lại không thể thoát ra được, cứ độ Tết đến xuân về tôi chẳng thấy vui. Mong Tiến sĩ Thành Nam cho tôi lời khuyên. Tôi xin cảm ơn.

Thoa 

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam gợi ý:

Chào Thoa,

Đầu tiên phải khẳng định bố mẹ nào cũng là bố mẹ và mong muốn của em về đón giao thừa với nhà đẻ là hoàn toàn hợp lẽ. Vì thế trước hết em cần chiến đấu, vượt qua nỗi sợ của bản thân rằng đề nghị hay nói ra mong muốn về đón giao thừa với nhà ngoại sẽ phật lòng bố mẹ chồng. Hãy đặt một người bạn thân của em vào tình huống muốn về nhà ngoại nhưng sợ không dám nói ra thì em sẽ khuyên bạn điều gì, và lấy chính lời khuyên đó để tự động viên mình. Nếu không dám nói ra, 100% em sẽ lại đón giao thừa ở nhà nội và tiếp tục day dứt. 

Tuy nhiên, để tăng cơ hội ông bà đồng ý, em nên tìm một số đồng minh cho mình. Xem trong gia đình hiện nay ai là người có thể hiểu chuyện và dễ đứng về phía em với đề nghị này. Phương án tốt nhất là chồng em, em chồng hoặc thậm chí vợ của em chồng em. Hãy chia sẻ tâm sự này với họ, sắp xếp phù hợp sao cho vẫn có con cháu đón giao thừa với bố mẹ chồng khi em về nhà ngoại và em hãy lên lịch cụ thể cho những ngày đầu năm mới. Khi đã có kế hoạch chu toàn rồi, em hãy cùng đồng minh thưa chuyện với ông bà nội.

Theo tôi, em đừng suy diễn hoặc hiểu những câu nói của ông bà ngoại theo nghĩa đen. Câu nói “Hay đứa thứ 2 để họ của bố đi” có thể bố muốn em dành thêm thời gian đưa cháu về chơi để ông bà được chăm sóc, gần gũi và cảm nhận thực sự đó là cháu mình. Bên cạnh đó, em vẫn có thể cho con mang họ kép (họ cả bố và mẹ) để ông bà cảm thấy vui hơn.

Tóm lại, em đừng tự dọa mình bằng nỗi sợ thất bại. Tôi thấy mặc dầu sống truyền thống nhưng nhiều ông bà nội cũng chỉ chờ con dâu nói ra những yêu cầu hợp lý để đồng ý thôi.

Chúc em mạnh dạn, tự tin và vui vẻ trong dịp Tết sum vầy.

Muốn được TS. Trần Thành Nam tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top