Tôi 50 tuổi, là cán bộ xã, vợ kém tôi 3 tuổi, là giáo viên. Chúng tôi có 2 con, lớn học đại học năm cuối, nhỏ sang năm mới vào lớp một. Gần đây, tôi thấy vợ chồng có khoảng cách bởi sự lệch lạc trong sinh hoạt hàng ngày. Vợ tuy có nhiều thời gian rảnh nhưng chia đôi việc nhà cho tôi. Tôi không phàn nàn về điều này, nhưng vợ dành ít thời gian cho gia đình, thường xuyên lên mạng xã hội. Vợ lập nhóm hát trực tuyến với hơn 500 thành viên và cô ấy là chủ tịch. Cứ lúc nào rảnh rỗi là cô ấy lên mạng xã hội: trên lớp, lúc ra chơi hoặc trống tiết, buổi trưa khi ăn xong, buổi tối cô ấy ăn cơm trước, sau đó đi bộ đến 7 giờ tối rồi vào mạng đến 10 giờ đêm, có hôm 12 giờ đêm mới đi ngủ. Hôm thì cô ấy hát, hôm thì cổ vũ cho các thành viên trong nhóm và hay dùng các từ như “anh iu, chị iu, em iu, con trai iu, con gái iu...”.
Vì mải lên mạng xã hội mà cô ấy đùn đẩy trách nhiệm cho tôi. Trong làng có đám hiếu hỉ, rủ cô ấy không đi nên tôi đành đi một mình. Gần đây, tôi rất không hài lòng về việc cô ấy vào mạng quá nhiều. Bố mẹ tôi ốm đau nằm viện, cô ấy không lên trông nom, toàn anh chị em nhà tôi thay nhau. Tuần trước, mẹ vợ ốm nằm viện, chị em cô ấy và tôi vào trông. Tôi thấy buồn khi mọi người vào viện chăm sóc bố mẹ ốm, còn cô ấy ở nhà cổ vũ hát trực tuyến. Dạo này, cô ấy còn hay đăng ảnh lên mạng xã hội, được mọi người khen xinh, cô ấy chỉnh sửa ảnh rồi đăng nhiều hơn.
Trước đây, chúng tôi từng ly thân vì cô ấy không tôn trọng tôi và say nắng người khác, nhưng nghĩ đến con nên tôi không ly hôn. Hiện tại, những việc làm của cô ấy khiến anh em tôi rất buồn. Tôi đã góp ý để vợ ít lên mạng xã hội hơn nhưng không được. Tôi phải làm gì để cải thiện tình trạng gia đình hiện nay?
Thành
GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào Thành,
Người xưa khi nói tới nghiện chỉ nhắc đến “tứ đổ tường”, là 4 thứ làm đổ cuộc đời: rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút sách, mà đa phần ở nam giới. Ngày nay, xã hội hiện đại có quá nhiều đồ chơi, ban đầu mang đến tiện ích, sau đó lệ thuộc, và cuối cùng là nghiện. Nghiện mạng xã hội gần đây mới xuất hiện và đang thách đố các nhà tâm lý, vì chính một số nhà tâm lý cũng bị nghiện. Ở đó, nó giúp người ta thỏa mãn tâm lý không phải đi xa, không mất quá nhiều tiền và được thể hiện mình. Những người nghiện mạng xã hội thường là người lãng mạn mất kiểm soát, cô đơn, hụt hẫng tâm lý và dễ bị kích thích bởi hình ảnh.
Bạn 50 tuổi, là cán bộ xã nên có tâm lý kỷ cương, kỷ luật, giờ nào việc đó, sống có trách nhiệm và thái độ rõ ràng. Mẫu tâm lý này phù hợp với cuộc sống của những người giới hạn bản thân trong hoàn cảnh và cho đó là đúng.
Với vợ bạn là giáo viên, tôi không biết chuyên ngành gì, dạy lớp mấy nên không đoán được cô ấy qua tâm lý nghề nghiệp. Bạn nói “cô ấy có lần say nắng”, đây là hiện tượng thiếu hụt tâm lý tình cảm. Từ đó, cô ấy cố gắng tự tạo công việc cho mình để vượt qua sự trống vắng, và mạng xã hội chính là điều kiện để cô ấy giải phóng hiện tượng này. Nhưng nếu chỉ vào mạng thông thường thì chưa đủ sức, nên cô ấy đã lập nhóm hát với hơn 500 thành viên và làm chủ tịch. Điều này không phải ai cũng làm được. Với cô ấy đây là niềm đam mê với xã hội. Khi động viên nhóm hát, cô ấy thể hiện tình cảm hết mình thì các thành viên càng yêu mến cô ấy hơn, và trở thành chất xúc tác kích thích tâm lý tạo ra hoóc môn hưng phấn, làm tâm trí hưng phấn đến mức mất kiểm soát, nhưng cô ấy vẫn dạy học đầy đủ và tốt tức là chưa nghiện mạng xã hội nặng.
Bây giờ bạn nên sáng suốt để kéo cô ấy ra khỏi trạng thái này chứ không nên trách cô ấy. Trước hết bạn cần tôn trọng vợ, đừng bao giờ phê phán việc cô ấy lên mạng xã hội vì người chữa phải giúp đối tượng nghiện tin mình. Muốn vậy bạn nên ngồi nghe cô ấy kể về sự thích thú khi lên mạng một cách say sưa, càng nhiều càng tốt, quá trình kể đó tiêu tốn năng lượng, khiến cô ấy phân tán trạng thái mê nhất đẳng thành trạng thái nói, và hãy cứ nghe để giúp cô ấy nói. Quá trình này có thể kéo dài rất lâu tùy theo tâm lý và sức khỏe của bệnh nhân nghiện.
Hiếu hỉ trong làng cô ấy không đi thì bạn vẫn nên kiên định nài nỉ cô ấy đi. Hãy điều chỉnh bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh của vợ và đừng bao giờ chê cô ấy điều gì, hãy để cô ấy tự vượt qua bằng cách giảm từ từ thời gian lên mạng. Nếu bạn càng chê thì trạng thái cộng hưởng, tập trung tức giận càng cao, làm xuất hiện tâm lý tự vệ, nếu cô ấy không trấn tĩnh tốt thì chắc chắn đã xảy ra xung đột với bạn. Bây giờ bạn đừng chê trách vợ mà hãy hiểu cô ấy là bệnh nhân thì mới có tâm lý sáng suốt giúp cô ấy cai nghiện thành công.
Chúc bạn kiên trì.
Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)
Post a Comment