Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển.
Đó là nội dung được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập trong phát biểu đề dẫn tại phiên toàn thể về các vấn đề kinh tế và thương mại trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26), chiều 19/1.
Nội dung của phiên thảo luận gồm: vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện, an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số.
Theo Phó thủ tướng, trong hơn nửa thế kỷ qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực của kinh tế thế giới, một phần chính là nhờ hợp tác liên kết kinh tế sâu rộng và tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và hệ thống doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Thực tiễn Việt Nam và nhiều nước cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của các "bộ đệm" này, nhất là trong những thời kỳ tình hình quốc tế, khu vực biến động mạnh như khủng hoảng tài chính khu vực, toàn cầu, ông Vương Đình Huệ nói.
Cho rằng không thể bằng lòng với những gì đã có, Phó thủ tướng đánh giá, thế giới ngày nay đang biến chuyển sâu sắc trên nhiều phương diện dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của sự khác biệt trong quan điểm phát triển, toàn cầu hóa cũng như sức ép cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu.
"Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải đổi mới trong tư duy phát triển và đẩy mạnh liên kết, hợp tác trên nhiều phương diện, đặc biệt là về các vấn đề trọng tâm của phiên thảo luận toàn thể hôm nay về chủ đề kinh tế và thương mại", Phó thủ tướng phát biểu.
Khẳng định sự chủ động của Việt Nam trong chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Phó thủ tướng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Ông dẫn chứng, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh.Việt Nam cần 4 năm để tăng kim ngạch thương mại từ 200 lên 300 tỷ USD, nhưng chỉ cần 2 năm để tăng từ mức 300 lên 400 tỷ USD, và đạt mức 425 tỷ USD cuối năm 2017, hơn gấp 1,9 lần tăng trưởng GDP.
Sự phát triển bùng nổ của Internet và ứng dụng công nghệ thông tin, theo Phó thủ tướng, đã tạo ra sự kết nối mạnh mẽ chưa từng có và mang đến nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, như tiếp cận công nghệ thuận lợi hơn, chi phí rẻ hơn và gắn kết với phát triển thương mại điện tử.
Từ kinh nghiệm của Việt Nam và nhiều nước, ông Vương Đình Huệ cho rằng cần tiếp tục phát huy vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách, quy tắc tạo thuận lợi cho gia nhập và rút khỏi thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng, tăng cường kết nối cung cầu và nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ dành cho các nước đang phát triển mà cho cả các nước đang phát triển như Việt Nam.
"Thế giới ngày hôm nay là thế giới của công nghệ và sáng tạo. Trong thời đại này, nhiều công nghệ mang tính sáng tạo phá hủy đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, của hạ tầng cũ và môi trường kinh doanh cũ", Phó thủ tướng phát biểu.
"Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển".
"Cũng vì vậy, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chủ yếu dành cho những nền kinh tế, những doanh nghiệp dám thay đổi tư duy, biết phát hiện nhu cầu của đất nước, mạnh dạn tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, hành động nhanh và hữu hiệu".
Post a Comment