Câu chuyện Đặc Khu không đơn thuần là chuyện kinh tế, nó còn là vấn đề an nguy cho an ninh quốc gia.
ĐẶC KHU VÀ CÁC MẮT XÍCH CHIẾN LƯỢC CỦA “ONE BELT, ONE ROAD”.
Trong các bài trước (1),(2) tôi phân tích vị trí Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều (vô tình?) là các “giao điểm quan trọng” trong các “mối điểm” của chiến lược con đường tơ lụa mới của Trung Quốc có tên “Một Vành đai, Một Con đường” (One Belt, One Road). Chiến lược này được kỳ vọng góp phần làm cho giấc mộng Trung Hoa trở thành hiện thực.
Theo phương án cũ của Chiến lược, thì Vân Đồn và Bắc Vân Phong nằm trong vùng chiến lược của “Một Vành đai, một Con đường”.
Theo phương án tiềm năng, khi Trung Quốc đổ tiền và thuyết phục xong Thái Lan xây dựng kênh đào Kra, con đường biển của chiến lược trên của Trung Quốc sẽ được rút ngắn.
Lúc đó, đường đai biển chiến lược của “One Belt, One Road” sẽ như một cây chiến thương chọc qua Kra nối từ Vịnh Thái Lan sang Bắc Ấn Độ Dương: Hambantota (SriLanka); Kra (Thái Lan), Koh Kong (Campuchia, ngay cạnh Phú Quốc của VN); Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn (VN) đều nằm trên trục tiềm năng này của chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc.
Do đó, vòng đai biển này ôm trọn lãnh thổ lục địa Việt Nam.
Hambantota (SriLanka, ký 2016, trừ nợ 1,3 tỷ USD) và Kohkong (Campuchia, ký năm 2008, 3,8 tỷ USD) đã được cho Trung Quốc thuê 99 năm (3), (4). Trung Quốc không ngại che dấu ý định, khi tuyên bố thẳng những nơi được thuê này là những “giao điểm” chiến lược của kế hoạch “Một Vành đai, Một Con đường”. Theo các thông tin có được, người Tàu mua toàn bộ, xây dựng sân bay và các hoạt động riêng biệt của họ tại những nơi này. Họ sử dụng chủ yếu người của họ trong các đặc khu được thuê này. Thời gian gần đây, các cách làm kiểu này của Trung Quốc được báo giới quốc tế dùng từ “Chiness Colony” (tạm dịch: Thực dân Tàu).
ĐẶC KHU VÀ BINH PHÁP TÔN TỬ
Giả đạo phạt Quắc (mượn đường diệt Quắc, 假道伐虢) là kế thứ 24 (Stractegy 24) của binh pháp Tôn Tử (The Art of War). Chuyện rằng, Tấn Hiến Công nóng lòng muốn thâu tóm nước Quắc, nghe lời Vi Sĩ đợi nước Quắc loạn sẽ đem quân đi đánh chiếm. Đợi mãi chẳng thấy Quắc loạn, bèn nghe lời mưu sĩ Tuân Tức mang đồ vàng ngọc hối lộ nước Ngu với lý do mượn đường nước Ngu để đánh nước Quắc. Sau khi Tấn đánh tan nước Quắc, Ngu chỉ còn trơ trọi một mình, Tấn Hiến Công bèn đem quân quay về diệt nốt nước Ngu. Bài học của kế này là: mượn đường và dùng nguồn lực của lân bang để đạt một mục tiêu trước mắt, sau khi đạt được mục tiêu thì thao túng luôn lâng bang.
Cũng trong Binh pháp này, Kế thứ 30 có tên “Phản khách vi chủ” (反客為主) cũng đáng lưu tâm: “Thừa khích tháp túc, ách kỳ chủ cơ, tiệm chi tiến dã”. Tạm dịch: Xoáy vào vị trí sơ hở của đối phương để đột nhập vào, nắm lấy cơ quan đầu não, sau đó từ từ làm chủ các bộ phận. Từ vai trò ban đầu là khách, dần già thiên biến vạn hoá chuyển thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ đẩy địch ra khỏi chốn nương thân. Điều kiện tiên quyết để áp dụng kế này thành công là nằm ở “Khách”: Phải tìm cách để được “Chủ” mời vào nhà, rồi lợi dụng sự lơ là mà tiếm lấy quyền thành chủ.
Người Trung Quốc vốn là bậc thầy của các chiến thuật bày binh bố trận, do vậy không hề ngẫu nhiên mà chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” ra đời. Sẽ là hợp lý nếu ai đó coi “đai” hay “đường” chỉ là một kiểu Quắc thuở Xuân Thu, và nước Ngu sẽ có thể là bất kỳ nước nào thiếu khôn, nhân nhượng và phụ thuộc sâu vào nanh vuốt của họ. Khách có cơ thành chủ, nếu ta bất giác lơ là. Khi những đường đai vô hình này như cái vòng kim cô thắt lại, bằng cách cách thức và chiến thuật, nền kinh tế và các lĩnh vực khác bị thâu tóm, lúc đó chủ quyền sẽ bị đe doạ.
Nói vậy để thấy việc tính đến các yếu tố địa chính trị và các diễn biến về an ninh quốc gia là cần thiết phải được đặt ra trong thời điểm này. Có như thế, 99 năm sau, ở đâu đó trên thiên đường (hi vọng thế), chúng ta không hổ thẹn với con cháu của mình.
Vì những lẽ trên, tôi không đồng ý việc lập Đặc khu, dù 99 năm hay 1 năm.
Post a Comment