Thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá sáng 11/6 tại Quốc hội, nhiều ý kiến quan tâm đến điều kiện được đề nghị đặc xá.

Môt trong những điều kiện được quy định tại điểm c khoản 1 điều 10 là "đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí. Trường hợp chưa chấp hành xong thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định"

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An)  đề nghị nên bỏ quy định "tùy nghi"  như trên, phải bắt buộc thực hiện xong tiền phạt và án phí đối với mọi tội phạm.

Quy định này rất có ý nghĩa đối với các động cơ phạm tội là tiền và tài sản, như các loại tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hay tội tham nhũng ... Đối với những loại tội này thì nhất định phải thực hiện xong hình phạt tiền và án phí rồi mới được xem xét đặc xá, luật không nên trao cho Chủ tịch nước trách nhiệm xem xét mức độ thực hiện hình phạt tiền án phí của từng người một, trong số hàng nghìn người, như vậy quá chi ly, không cần thiết và không khả thi, đại biểu Trang phân tích.

Trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại thì đã được quy định tại dự thảo. Việc bỏ quy định tùy nghi này góp phần đảm bảo được tính công khai, minh bạch và công bằng trong quá trình thực hiện đặc xá, bà Trang nhấn mạnh.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của một số vị khác.

Hoàn toàn nhất trí với phân tích của đại biểu Trang, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phân tích thêm, Luật Đặc xá năm 2007 quy định một trong những điều kiện để được đặc xá là: bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với tài sản do tham nhũng.

Dự thảo lần này về điều kiện đặc xá quy định theo hướng không bắt buộc phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà chỉ cần có văn bản thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá là đủ điều kiện để xét đặc xá.

Theo đại biểu Chính thì quan điểm này chưa phù hợp. Đối với nhóm tội về tham nhũng và nhóm tội về chiếm đoạt tài sản thì một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản chiếm đoạt cho người bị hại. Do vậy, nếu chấp nhận phương án thỏa thuận bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường sau khi đặc xá thì sẽ không khả thi, không thể thu hồi tài sản cho nhà nước, cho tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, có chăng quy định này chỉ nên áp dụng với một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác theo Bộ luật Hình sự năm 2015, đại biểu Chính nêu quan điểm.

Cũng góp ý về điểm c khoản 1 điều 10 của dự thảo  luật sửa đổi, đại biểu Dương Đình Thông (Bắc Giang) nêu rõ, theo luật hiện hành thì quy định này chỉ áp dụng đối với những đối tượng phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Nhưng dự thảo luật sửa đổi theo hướng đây là điều kiện bắt buộc đối với mọi tội phạm.

 "Tôi xin kiến nghị nên cân nhắc điều kiện này, bởi lẽ trong thực tế có những người mặc dù trong quá trình cải tạo rất tốt, có thể có những lập công lớn nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng về thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự thì sẽ không bao giờ được đặc xá, như vậy sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện công bằng xã hội cũng như hạn chế việc khuyến khích người chấp hành án phạt tù, cải tạo tốt để sớm tái hòa nhập cộng đồng", đại biểu Thông bày tỏ quan điểm.

Theo đại biểu, nếu ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự coi đây là một điều kiện để xét đặc xá để giảm án thì làm mất đi động lực của những người bị kết án là những người nghèo mà phấn đấu cải tạo tốt. Mặt khác, nếu được đặc xá thì sẽ là cơ hội cho họ khi ra khỏi tù có điều kiện lao động để thực hiện các nghĩa vụ dân sự mà bản án đã tuyên có hiệu quả và tốt.

Cũng đăng ký phát biểu, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình thể hiện sự đồng tình với đánh giá của rất nhiều đại biểu, là trong thời gian vừa qua việc đặc xá "hơi bị lạm dụng quá".

Cụ thể, trong 10 năm có 7 đợt đặc xá, trung bình khoảng gần 1,5 năm có một đợt và tổng số đặc xá 85.000 người, trung bình mỗi đợt hơn 10.000 người. Điều này cho thấy luật không nghiêm. Chánh án cho biết, để khắc phục tình hình này thì từ đầu năm nay khi Luật Hình sự có hiệu lực, có một chế định mới Quốc hội đã thông qua là tha tù trước thời hạn và việc này được thực hiện hằng năm.

Tha tù trước thời hạn và đặc xá có sự khác biệt, theo nhấn mạnh của Chánh án. Thẩm quyền đặc xá là của Chủ tịch nước và tha tù trước thời hạn là của chánh án các cấp, ông Bình nêu rõ.

Sự khác nhau cơ bản được Chánh án phân tích qua ví dụ một người bị án là 10 năm tù, đã chấp hành 5 năm thì tha tù trước thời hạn, như vậy còn 5 năm. Trong thời hạn chấp hành ở ngoài nhà tù, có vi phạm thì người này lại quay lại nhà tù để chấp hành phần còn lại của bản án. Đặc xá là tha luôn, không phải quay lại, ông Bình nhấn mạnh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top