Vợ tôi là người miền Nam, còn tôi người miền Trung. Trước khi cưới vợ tôi hứa là khi nào tôi về quê sẽ thuyết phục cha mẹ mình để về quê cùng tôi (tại khi xin phép để cưới thì bố mẹ vợ không chịu), nhưng giờ lại đổi ý một mực không chịu cùng tôi về quê. Giờ chúng tôi đã có với nhau một đứa con. Tình cảm hai vợ chồng vẫn bình thường. Có điều bên nhà vợ không xem tôi ra gì, lúc nào cũng chỉ cần con và cháu thôi, còn tôi không quan trọng. Với vợ tôi, cha mẹ là trên hết dù đúng hay sai.
Gia đình tôi lúc nào cũng làm nhiều việc để vun đắp cho hạnh phúc hai đứa, còn gia đình vợ luôn kiếm chuyện với tôi để hai đứa xảy ra chuyện. Giờ tình cảm của tôi với gia đình vợ gần như không còn, chỉ còn tình cảm với vợ thôi. Tôi sợ lâu ngày tình cảm với vợ sẽ nhạt dần. Về quê tôi đã có định hướng rõ ràng công việc cho hai vợ chồng. Nhưng giờ vợ tôi không đồng ý về cùng tôi. Tôi không biết phải quyết định thế nào. Một tháng rồi lòng tôi cứ nặng trĩu, suy nghĩ mãi. Một bên là cha mẹ và một bên là vợ con. Giờ tôi trong hoàn cảnh ở thì không được, đi cũng không xong. Mong chuyên gia và bạn đọc cho tôi lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Mạnh
GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào bạn Mạnh,
Cuộc sống luôn vận động và không bao giờ ngừng lại. Lời hứa từ hoàn cảnh sinh ra và cũng do hoàn cảnh mà quyết định tiếp theo. Thất hứa và không thực hiện được lời hứa hoàn toàn khác nhau. Thất hứa tức là có điều kiện thực hiện mà không làm. Còn không thực hiện được là do điều kiện, hoàn cảnh mới phát sinh nên không thể làm được như đã định. Thế giới từng định ra nhiều kế hoạch nhưng vẫn có những lần không thực hiện được kế hoạch đề ra.
Trước khi cưới, vợ bạn hứa là khi nào bạn về quê sẽ thuyết phục cha mẹ mình về quê cùng bạn. Đây là vấn đề cần làm sáng tỏ, nếu không rất khó phân biệt phải trái. Vợ bạn nói sẽ thuyết phục cha mẹ mình tức là cô ấy không chủ động. Nếu thuyết phục được thì mới thực hiện được lời hứa, còn thuyết phục không được thì sao? Điều này không thấy bạn nói. Vấn đề hiện nay là cha mẹ cô ấy đã đồng ý cho đi chưa? Nếu cha mẹ vợ đồng ý mà cô ấy không đi thì mới là thất hứa. Có lẽ vợ bạn là người tuyệt vời nên rất biết mình là ai trong sự phức tạp này.
Điều cần nói là khi xin phép cưới thì bố mẹ vợ bạn không chịu, tức là không chấp nhận bạn làm rể. Cưới có lẽ là do vợ bạn và bạn thương nhau nên dù bố mẹ vợ không muốn thì nay các bạn cũng đã có với nhau một đứa con.
Tình cảm của hai bạn bình thường là tốt, nhưng bên vợ không xem bạn ra gì. Tại sao với vợ thì bình thường còn gia đình vợ lại khác? Phải chăng ngay từ khi cưới, cha mẹ đã không đồng ý, khi làm rể bạn lại không chinh phục được nên mới ra nông nỗi. Cha mẹ vợ bạn lúc nào cũng chỉ cần con và cháu, còn bạn không quan trọng. Nếu tính tỉ lệ gia đình nhà bạn là 3 người, cha mẹ vợ bạn đã cần 2 người, tức là 2/3 là quý lắm. Quý con bạn thì quá tốt rồi, sợ ông bà không quý cháu và ghét vợ bạn thì mới là vấn đề.
Bạn nói “tôi không quan trọng”. Sự quan trọng của bất cứ ai đều phải do họ có giá trị gì cho đối tượng. Khi người ta rất thương mình nhưng mình không làm được việc gì cho họ thì tình thương là một việc, còn quan trọng lại là việc khác. Bạn nên giúp đỡ, làm việc cho bên nhà vợ, qua công việc cụ thể người ta sẽ thấy bạn quan trọng. Bạn chỉ nói gia đình nhà vợ xem bạn không quan trọng, nhưng bạn không cho tôi biết bạn làm việc như thế nào khi giúp đỡ, lo toan cho cha mẹ vợ, vợ và con bạn. Vì vậy, tôi không đoán được cha mẹ vợ cho bạn là không quan trọng có đúng không. Nếu bạn làm hết sức đối với gia đình vợ mà họ vẫn coi thường bạn thì gia đình vợ bạn đang đố kỵ. Nhưng nếu bạn không làm được gì mà đòi hỏi họ phải tôn trọng bạn là rất khó. Đây là vấn đề người xưa dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tức là trước hết phải xem lại bản thân có chu đáo không, nếu chu đáo rồi thì mới trách người, còn nếu chưa chu đáo thì phải sửa lại bản thân.
Vợ bạn cho cha mẹ là trên hết tức là người con có hiếu, nhưng vợ bạn vẫn bình thường với bạn nghĩa là cô ấy đã rất khéo để sống giữa hai luồng tư tưởng, một bên là chồng, một bên là cha mẹ. Nếu vợ bạn không thương bạn và khéo léo có lẽ đã xảy ra chuyện lớn rồi.
Gia đình bạn lúc nào cũng làm nhiều việc để vun đắp hạnh phúc cho hai đứa là tốt, nhưng bạn lưu ý nước xa không cứu được lửa gần. Trong khi gia đình vợ luôn kiếm chuyện với bạn để hai đứa xảy ra chuyện, tôi nghĩ không cha mẹ nào muốn con cháu mình bất hạnh. Nếu đúng thế thì bạn xem mình đã làm gì để gia đình vợ kiếm chuyện hay đặt chuyện. Kiếm chuyện tức là suy luận, chỉ ra sai sót của bạn, còn đặt chuyện là vu khống cho bạn. Bạn xem gia đình vợ có vu khống gì cho bạn không hay chỉ nói cái sai của bạn.
Trở lại hiện nay, ông bà ngoại thương yêu cháu thế thì vợ bạn không dám bế con đi. Vợ bạn không đồng ý về quê cùng bạn là do cha mẹ không đồng ý, cô ấy thuyết phục không được. Với tư cách người con gái có hiếu, vợ bạn không thể bỏ nhà đi với chồng vì lời hứa xưa. Nếu có thể bạn hãy thuyết phục ông bà ngoại cho vợ đi. Nếu không được, bạn phải tự về quê một mình. Còn nếu muốn được yêu thương, bạn hãy làm điều gì đó.
Chúc bạn sáng suốt.
Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.
Post a Comment