Đó là thông tin được ông Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - an ninh (cơ quan thẩm tra dự án Luật An ninh mạng) cho biết tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, chiều 15/6.

Trước băn khoăn về ứng xử khác nhau của Quốc hội với hai dự thảo luật được cử tri đặc biệt quan tâm là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật An ninh mạng, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định luật An ninh mạng đã được tiếp thu, chỉnh sửa nhiều, khi ban hành sẽ bảo vệ quyền lợi của dân của doanh nghiệp nên kết quả tán thành cao.

Còn dự án luật đặc khu rộng hơn rất nhiều nên cần có thời gian hoàn thiện thêm, ông Phúc nói.

Trả lời thêm, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trong quá trình thẩm tra và giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, cơ quan thẩm tra đã hết sức lắng nghe ý kiến cử tri, chuyên gia,  ý kiến của một số quốc gia và các hiệp hội và đặc biêt của phóng viên nên nhiều vấn đề dự thảo luật Chính phủ trình đã được chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng.

Đề cập có ý kiến lo lắng Luật An ninh mạng được ban hành sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ông Hồng khẳng định là điều này hoàn toàn không có, mà ban hành luật chính là tạo ra cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Có người hỏi tôi  sau khi luật này được ban hành liệu Google, Facebook có rời bỏ Việt Nam hay không, nhưng đến giờ này hai tập đoàn này chưa có phản hồi chính thức về luật an ninh mạng, ông Hồng cho biết.

Đại biểu Hồng cũng khẳng định qua truyền thông rộng rãi đến giờ này có sự đồng thuận cao trong nhân nhân về sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng.

Sau đó, hồi âm phóng viên một hãng thông tấn nước ngoài về thông tin sau khi Luật An ninh mạng được thông qua thì hiệp hội mà trong đó Google, Facebook cũng là thành viên có nói là rất thất vọng về quyết định này, ông Hồng cho biết chưa có văn bản chính thức nhưng qua thông tin trên cộng đồng mạng thì đại diện của Facebook nói sẽ nghiên cứu, triển khai quy định của Luật An ninh mạng.

VnEconomy đặt câu hỏi: tại nghị quyết kỳ họp này, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Vậy sau kỳ họp việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật này có được tổ chức bài bản ở quy mô rộng như với Luật Đất đai hay Bộ luật Hình sự hay không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời: sau khi đã thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh luật về đặc khu. Vừa qua cửa tri nhân dân, chuyên gia nhà khoa học có nhiều ý kiến tham gia. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng tổ chức nhiều cuộc xin ý kiến các nhà khoa học và tìm hiểu các đặc khu nước ngoài có sẵn để học tập.

Về nội dung dự thảo luật thì có nhiều khoản thấy chưa phù hợp. Ví dụ như đất đai cho thuê đến 99 năm tới đây có thể sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai thôi. Về chính sách thuế tới đây cũng sẽ rà soát cho phù hợp.

"Còn có đưa luật này ra xin ý kiến nhân dân như Híến pháp, luật đai không theo tôi chưa tới quy mô này. Trước mắt tiếp thu đầy đủ các ý kiến này đã tốt rồi", ông Phúc nói.

Trước khi các phóng viên đặt câu hỏi, thông báo về kết quả của kỳ họp, Phó tổng thư ký Lê Bộ Lĩnh điểm lại những nét nổi bật của các luật được thông qua, trong đó có Luật An ninh mạng.

Ông Lĩnh nói, luật này được ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời, phải phù hợp với thực tiễn, khả thi, tránh sự lạm dụng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp.

Đây là một dự án luật khó, đã được tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, nhân dân để phân định rõ giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng, rà soát các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các chủ thể bảo vệ an ninh mạng, Phó tổng thư ký nhấn mạnh.

Thông tin từ cuộc họp báo cũng nêu rõ, tại kỳ họp này Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự án luật nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới mang tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Nhìn chung, các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được các cơ quan chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hồ sơ theo quy định. Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ, thẳng thắn, tích cực tranh luận, đưa ra những ý kiến cụ thể về nhiều nội dung mới, còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự án bảo đảm yêu cầu chất lượng, có tính khả thi, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top