Tình cờ bị gieo cảm hứng từ những lời than của đồng nghiệp, của một số Amser khóa dưới, mình viết một status nhỏ thể hiện băn khoăn về tính nhạy cảm của thời hạn giao đất trong dự thảo luật đặc khu, vốn chỉ là để trao đổi với bạn bè cùng tâm tư và một số em học sinh ngành Trung Quốc học theo dõi FB của mình, không ngờ nhận được rất nhiều sự động viên chia sẻ khen ngợi của các thày cô, anh chị, các cựu sinh viên, các sinh viên và các bạn cũ , bạn mới. Xin cảm ơn cả nhà vì những đồng cảm và ủng hộ, đúng là cùng sinh ra trên mảnh đất hình chữ S, yêu nước, quan tâm đến vận mệnh của đất nước đâu là đặc quyền của riêng ai. Các nhà kinh tế, trong đó có 2 Amser khóa dưới từng cố vấn hoặc đang cố vấn cho Thủ tướng là Nguyễn Đức Thành và Vũ Thành Tự Anh đã nhận xét rất đúng rằng Dự thảo luật Đặc Khu đã được soạn thảo vội vàng, chưa cẩn thận, thiếu tính thuyết phục, tính hấp dẫn, cái cần bàn đến là thể chế hay những đặc sắc khác biệt để đảm bảo sự thành công cho đặc khu thì chưa được bàn đến nhiều. Thôi chuyện chuyên môn của các nhà kinh tế, nhà luật học, mình không lạm bàn, mình chỉ giành một chút thời gian eo hẹp chia sẻ góc nhìn cá nhân về yếu tố làm nên thành công của đặc khu Thâm Quyến.

Yếu tố nào đã làm nên thành công cực kỳ ấn tượng của Thâm Quyến, tại sao thời đó tỉnh Quảng Đông có đến 4 đặc khu là Chu Hải, Sán Đầu, Thâm Quyến và Hạ Môn mà duy nhất chỉ có Thâm Quyến thành công thôi? Cách một con sông mà Chu Hải giá nhà đất chẳng bằng 1/4 Thâm Quyến, giờ này kinh tế không có cách gì sánh với Thâm Quyến được, cũng chẳng có những con chim ưng, chim đại bàng mang thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Huawei, TCL….

Câu trả lời là Thâm Quyến hội tụ đủ những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đương nhiên rồi, biết rồi, khổ lắm, nói mãi…..

Thiên thời vì dân tộc Trung Hoa vừa trải qua kiếp nạn 10 năm Cách mạng Văn hóa, trải qua mấy chục năm đóng cửa nền kinh tế, tự cung tự cấp xây tầu điện ngầm cho không kém nước Nga, luyện thép cho không kém nước Anh, diệt hết trí thức vì Mao thấy ngứa mắt trái tai . Mao hậm hực” trí thức không bằng cục phân”, cần phải gửi về nông thôn cho nhân dân dạy lại cách cầy cấy và cách tư duy. Được cái khi đóng cửa như thế thì từ cây kim sợi chỉ đến máy móc khai mỏ hay tàu bè tất tần tật Trung Quốc đều làm được. Thiên thời nữa là ông Đặng quyết tâm cải tổ, tuần du xuống tận phương Nam, đến tận Quảng Đông và có bài phát biểu về Cải cách mở cửa nức lòng người dân cả nước.

Nói về địa lợi, ông Đặng chỉ đích danh Quảng Đông làm mô hình đột phá khẩu cho cải cách mở cửa, cái nhà có vài cái cửa sổ đón gió mới thôi, và Thâm Quyến được chọn là một trong những cái cửa đón gió đó. Mình đã đến Thâm Quyến và đứng ở nơi Thâm Quyến tiếp giáp với Hồng Công, nhìn sang phía ánh đèn xa xa thấy đất Hồng Công nguy nga đẹp đẽ. Dân Thâm Quyến thời những năm 80 hàng ngày vẫn thường bơi qua Hồng Công làm thuê, tối lại bơi về, chuyện nhỏ, dân chài mà. Thâm Quyến có yếu tố địa lợi nữa là tuy có tên gọi Bằng Thành, tức là tổ của chim Bằng đến ngàn năm nay rồi nhưng vẫn giữ được khí tiết nghèo thanh, nghèo sạch, nghèo tử tế, cán bộ cũng vậy, tử tế vô cùng, tử tế đến mức không ai thích chức quyền gì, ai cứ bị điều động đến đặc khu kinh tế Thâm Quyến là chối đây đẩy, mặc cả em chỉ làm 1,2 năm thôi nhé rồi tha cho em về. Tôi đọc được một bài phỏng vấn ông Phó Bí thư thị ủy Thâm Quyến nhiệm kỳ đầu tiên, người được điều động từ Phật Sơn đến Thâm Quyến, ông kể thời mới cải cách mở cửa, khắp nơi toàn những làng mạc thưa thớt người, không có bóng thanh niên trai tráng vì ai có đủ sức lực đều bơi sang Hồng Kong làm việc cả. Cả một huyện Bảo an trên hộ khẩu có 50.000 dân nhưng trên thực tế chỉ có 20.000 dân. Cả huyện có khi chỉ có lèo tèo độ 4 ông công an, không có sức đâu mà quản, ai thích làm gì mặc sức. Vậy yếu tố địa lợi của Thâm Quyến là gần Hồng Công, cửa sổ tha hồ đón gió biển và quan trọng là nghèo, nghìn năm đã sẵn cái tổ cho chim bằng mà không cần tranh với ai, giành đất cướp đất của ai.Thâm Quyến nằm trên đất Việt Quảng Đông nổi tiếng thiên hạ về kinh doanh buôn bán. Chim Bằng là một loại chim bay cao bay xa, vượt được cả biển lớn , nếu nó gọi về được cả Phượng Hoàng thì cũng không lạ. Loài Phượng Hoàng vua của các loài chim, nó chọn cây cao bóng cả, nó chọn loại cây Ngô Đồng vương giả mới chịu dừng chân, nếu không có mệt nó cũng bay tiếp chứ đời nào lại đi tranh đất tranh tổ của loài chim sẻ , chim quạ, chim cắt để làm gì. Phượng Hoàng mà đã về thì chim bằng, chim hồng, chim hộc, chim đại bàng cũng vượt biển mà về chứ có ngại gì đâu, địa lợi là như thế, nghèo đôi khi cũng là lợi thế chứ có cần đâu cái nơi hiểm yếu Vân Đồn năm xưa Trần Khánh Dư từng đốt hết thuyền lương, góp phần chặn đứng bước tiến của đế quốc Nguyên Mông xuống mảnh đất phương Nam. Không tranh đất, không gây thù kết oán với ai, không phá nhà phá cửa của ai, không bắt ai dời phần mộ tổ tiên đi là một lợi thế chứ cần gì phải chọn cái đất gần quận Nhật Nam năm xưa từng là cửa ngõ chính dừng chân khi các đoàn tàu buôn hay các sứ thần phương Bắc muốn vào tiếp kiến vương triều phương Bắc đâu nhỉ.

Nói vậy thì thiên thời địa lợi là quan trọng rồi, nhưng tại sao Chu Hải , Sán Đầu và Hạ Môn có các yếu tố thiên thời địa lợi mà không thành công được như Thâm Quyến? Mới hay yếu tố nhân hòa mới là yếu tố thực sự quyết định đối với thành công của Thâm Quyến .

Nói chuyện nhân hòa thì Thâm Quyến hòa lắm luôn vì làm gì có người, chỉ có vài ông cán bộ yêu nước yêu dân như ông Tập Trọng Huân, bố ông Tập Cận Bình bây giờ, nhũn như con chi chi vì đã được Mao và bà con nông dân Trung Quốc dạy lại rồi, đức lớn nhất của cán bộ là không làm gì cả, không quản ai, không cấm ai cả, học tập quán triệt nhân trị, vô vi nhi trị như các bậc tiên hiền Trung Hoa từng dạy dỗ. Mình đã xem điều lệ đặc khu kinh tế tỉnh Quảng Đông soạn thảo thời kỳ những năm 80 rồi, nó chỉ vẻn vẹn 6 chương 21 điều do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc tức là quốc hội của Trung Quốc thông qua. Nó vẻn vẹn có 3 mặt giấy thôi, không dài dòng rối rắm phức tạp như dự luật đang trình Quốc hội. Tinh thần của nó toát lên rằng, đất đai là tài sản quốc hữu, ai thích dùng bao nhiêu thì đăng ký sẽ được phê duyệt theo nhu cầu, đất dùng xây trung tâm thương mại thời gian sử dụng 20 năm, đất công nghiệp 30 năm, đất xây nhà ở 50 năm. Trên thực tế Thâm Quyến giờ này tất cả đất đai đến hạn đều được gia hạn sử dụng tiếp, chưa đòi lại quyền sử dụng bất cứ trường hợp nào thì phải vì vật kiến trúc trên đất thuộc tài sản riêng, được pháp luật bảo hộ. Những hạng mục đầu tư trên 5 triệu đô sẽ được ưu tiên, tất cả được qui định rõ ràng minh bạch với các quy định về sử dụng đất kèm theo . Làm cán bộ cũng sướng, tểnh tềnh tênh khỏi cần thẩm định cái nào 20 năm, cái nào 50 năm, đỡ mang tiếng tham nhũng hay lạm quyền. Trung Quốc giữ tiếng thơm cho cán bộ giỏi quá cơ, làm gì mà chẳng có nhân hòa và cán bộ được yêu quí thế, cứ quầy quậy đòi ở nhà với vợ con chứ dân mời được bữa cơm cũng khó. Nhân hòa còn ở điểm nữa là dân Thâm Quyến thưa thớt, anh tài tứ xứ từ Quảng Đông, từ khắp nơi ai không chê Thâm Quyến nghèo, không sợ khó sợ khổ thì về, không phân biệt bản địa hay ngoại tỉnh, từ Hồng Công sang hay ở chỗ nào về. Chỉ có một tiêu chí duy nhất để được nhận làm, để được tồn tại , đó là có năng lực, không có nhóm lợi ích nào cản trở các cá nhân cống hiến. Thời đó để được nhận chỉ cần trả lời anh sẽ làm được việc gì cho công ty, mang lại lợi ích thế nào. Sau 15 năm Thâm Quyến đã có hàng loạt các doanh nghiệp triệu đô , tỷ đô. Những doanh nghiệp hàng đầu thời đó nay cũng đã nhường chỗ cho nhiều doanh nghiệp do chính dân Thâm Quyền sau này một tay dựng lên, cơ hội là dành cho tất cả mọi người, chỉ cần không sợ khó sợ khổ và biết động não.

Cũng phải nói thêm mấy câu về cái tình của dân Quảng Đông và dân Trung Quốc. Trung Quốc có 3 sợi dây kết nối tình cảm thiêng liêng bền vững là huyết duyên, địa duyên và nghiệp duyên, nghiệp ở đây là nghề nghiệp. Nói vậy tức là khi cùng huyết thống, cùng quê hương bản quán, cùng trường, cùng thầy, cùng nghề nghiệp kiếm sống thì họ gắn kết với nhau mật thiết, tình nghĩa và tử tế với nhau vô cùng. Mình nhớ hồi học năm thứ năm còn chưa tốt nghiệp trường Ngoại ngữ Thanh Xuân, mình đi phiên dịch khảo sát thị trường với một bác trưởng thôn ở Phật Sơn, Quảng Châu sang Việt Nam, có một anh Tầu rất trẻ, đẹp trai đi tháp tùng. Bác ấy mỗi ngày đưa mình một cọc tiền, muốn tiêu bao nhiêu thì tiêu, muốn cho bác ấy ăn gì thì ăn, thích dẫn đi đâu thì đi, nhưng cho đến mấy cửa hàng khảo giá một số mặt hàng là được, cuối ngày còn bao nhiêu tiền cho mình tất. Mình không muốn lấy bác ép mình lấy bằng được, giọng van nài rất tình cảm, lại kêu gọi anh tre trẻ đi theo vào hùa bắt mình nhận bằng được mới thôi. Bác nói bác có rất nhiều họ hàng thân thích và người cùng làng ở Hồng Công, hô một câu là người ta về đầu tư giúp đỡ sản xuất kinh doanh rất nhiều. Người như bác người ta không quí, không giúp thì mới lạ, bao năm rồi vẫn nhớ giọng nói hiền hậu và ánh mắt thân thương gần gũi của bác, đúng là cán bộ nhà người ta.

Thôi thì nhân thể cái dự thảo Luật, chia sẻ vài câu dông dài. Mình nghĩ Thâm Quyến thành công được, quan trọng ở chỗ nó có địa thế tuyệt vời, đột phá khẩu của một quốc gia bao năm đóng cửa bưng bít, nay mở cửa đón gió đại dương lại mở đúng nhà láng giềng làm thuê cho nước Anh thì lo gì không có gió mát. Thâm Quyến đúng tổ chim Bằng , lại tử tế thế lo gì không hút được hào kiệt bốn phương, gọi được Phượng Hoàng, đại bàng và cũng không chê chim én, chim sẻ cùng làm tổ.

Đóng góp nhiều nhất và được chia lợi nhuận với Thâm Quyến nhiều nhất không phải chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài mà quan trọng hơn cả chính là các nhà đầu tư trong nước, những người con ưu tú không ngại khó ngại khổ đầu tư trí óc, đầu tư tiền bạc, tâm huyết từ mọi miền của Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là khu vực Hồng Kong Đài Loan. Nói thế chứ một giọt máu đào hơn ao nước lã, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đều do Hoa Kiều gọi về đóng góp xây dựng cho quê hương chứ có đâu cứ xây tổ đẹp, tổ đắt tiền là về đâu.

Muốn gọi được Phượng Hoàng thì cần lắm cái cây Ngô đồng rợp bóng mát. Xung quanh chớ nên có các khu đèn đỏ hay sòng bạc kẻo Phượng Hoàng kỵ lắm cơ. Dân mình có phải dân Thái đâu mà kiếm tiền từ những nguồn như họ được, một vốn mười lời từ vốn tự có nhưng tội cho thế hệ trẻ lắm, tội cho xương máu dân Việt bỏ ra để thắng Tầu, thắng Mỹ .

Đặc khu mở cửa cho các nhà đầu tư các nước, tuy nhiên hiện tại Tầu là giầu nhất, mà các vùng đất và cảng biển nước mình lại nằm trong chuỗi ngọc trai mà Tầu đang muốn có để thực thi Chiến lược Biển và Chiến lược Vành đai Con đường với dã tâm và tham vọng vô cùng lớn của họ, cần đề cao cảnh giác trong hoạch định chính sách và Luật đặc khu.

Mong các em học cho giỏi mà còn về giữ đất hương hỏa tổ tiên, giữ những nơi nhạy cảm xung yếu đối với chủ quyền quốc gia, xứng danh nòi giống Lạc Hồng.

FB THUÝ HẰNG NGHIÊM

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top