"Tôi không thể tìm ra lý do để đưa một quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân vào nội hàm của Luật Phòng, chống tham nhũng", đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) góp ý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Đây là dự luật được Quốc hội dành cả ngày 13/6 để thảo luận tại hội trường.
Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý là nội dung mới được bổ sung vào dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.
Dự thảo luật nêu hai phương án và Chính phủ chọn phương án 1, thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45% và phương án hai là xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.
Ý kiến của Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự án luật) còn phân tán, không đủ tập trung cho phương án nào.
Không đồng ý cả hai phương án
Ở phiên thảo luận toàn thể sáng 13/6 đại biểu cũng còn rất băn khoăn với cả hai phương án. Người chọn phương án 1, người nghiêng về phương án 2, có người nói không với cả hai.
Nhận xét phương án 1 hợp lý hơn song đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng cần làm rõ thế nào là không giải trình một cách hợp lý, bởi việc đánh giá hợp lý hay không hợp lý phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người đánh giá. Do vậy, pháp luật cần quy định mang tính nguyên tắc trong trường hợp này, ông Hiển góp ý.
Mặt khác, đại biểu Hiển cũng đề nghị làm rõ trường hợp sau khi nhà nước thu thuế đối với tài sản nói trên, nhưng người này sau này lại bị truy cứu trách nhiệm về hành vi tham nhũng và bị tịch thu khối tài sản tham nhũng trên thì số thuế mà họ nộp trước đó được xử lý như thế nào? Họ có được khấu trừ hay hoàn trả không?
"Cả hai phương án tôi không đồng ý", đại biểu Phan Hồng Phong (Hậu Giang) thể hiện quan điểm.
Ông Phong phân tích, Ban soạn thảo xây dựng 2 phương án trên theo hướng là cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh tài sản của người kê khai là không trung thực, hoặc thu nhập chênh lệch tăng thêm là không hợp pháp, và nếu không chứng minh được thì mới thu thuế thu nhập là 45% là không hợp lý. Theo đại biểu này, nghĩa vụ chính là của người kê khai, còn nếu không kê khai, kê khai không hợp lý, không hợp pháp thì phải sung vào công quỹ.
Đánh thuế không thuyết phục
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nhấn mạnh, cần phải phân biệt tài sản tham nhũng và tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý. Tài sản tham nhũng là tài sản đã chứng minh được do tham nhũng mà có. Còn tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý được hiểu là loại tài sản mà người kê khai thì không chứng minh được nguồn gốc. Còn cơ quan có thẩm quyền thì không chứng minh được tài sản do hành vi vi phạm pháp luật mà có, có nghĩa là về tính pháp lý của tài sản này còn mù mờ.
Đại biểu Trang cho rằng, việc xây dựng các quy định nhằm xử lý thu hồi hai loại tài sản này phải dựa vào các cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn vững chắc. Chọn phương án hai, bà Trang nhấn mạnh việc quy định đánh thuế như phương án 1 đối với phần tài sản kê khai không trung thực e là không thuyết phục vì có thể phần tài sản này đã được nộp thuế hoặc không thuộc trường hợp đánh thuế. Phương án 2 là phù hợp, dù cũng còn non về mặt pháp lý, bà Trang nhận xét.
Nhất trí cao với lý lẽ của đại biểu Hoàng Thu Trang, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị Ban soạn thảo loại khỏi dự thảo này phương án 1.Vì, không thể tìm ra lý do để đưa một quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập cá nhân vào nội hàm của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Mặt khác, đại biểu Sơn cho rằng không thấy có cách gì để hợp nhất 2 định nghĩa thu nhập kê khai không trung thực và thu nhập tăng thêm không được giải thích một cách hợp lý về nguồn gốc. Căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề này còn rất mong manh, đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng lưu ý đến hệ lụy của vấn đề này trong trường hợp người kê khai tài sản thuộc diện này nếu bị đánh thuế thu nhập cá nhân thì có thể khởi kiện tại tòa . "Tôi không biết tòa án sẽ căn cứ vào quy định nào để đưa ra phán quyết cho vấn đề này", đại biểu băn khoăn.
Hoàn toàn nhất trí phương án 2, ông Sơn lập luận: nghĩa vụ kê khai tài sản đối với đối tượng phải kê khai tài sản là một trách nhiệm riêng có, xuyên suốt. Vì thế không thể biện bạch bằng cách đem lý do bảo mật hoặc vì lý do khó nói để che đi nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội này.
Nhưng để làm được việc đó thì dự thảo cần thiết kế thêm những nội dung để đảm bảo việc kê khai được bảo mật thông tin trong một giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật, khi cần thiết có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước thì có thể kiểm soát được.
Thu thuế không hợp lý, xử phạt hành chính trong lĩnh vực này là hợp lý và phải là mức phạt nặng để răn đe, ông Sơn nêu quan điểm.
Post a Comment