Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có số lượng tối đa  15 người và đều do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Đó là những quy định đã được "chốt" tại Luật Cạnh tranh vừa được Quốc hội thông qua sáng 12/6.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019 với 10 chương, 118 điều.

Giải trình một số quy định còn có ý kiến khác nhau trước khi Quốc hội biểu quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã bổ sung quy định cơ chế xử lý trong trường hợp cơ quan nhà nước vi phạm các quy định về cạnh tranh.

Điều 8 khoản 1 quy định cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường:

a) Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

b) Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

c) Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.

Điều 113 quy định trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 diều 8 của luật này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Cơ quan nhà nước được yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền cũng đã được bổ sung.

Theo đó luật đã bổ sung quy định 5 doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan vào quy định nhóm doanh nghiệp đươc coi là có vị trí thống lĩnh thị trường.

Về tập trung kinh tế, báo cáo giái trình cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tại điều 42 dự thảo luật trường hợp hết thời hạn thẩm tra chính thức mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ban hành hoặc không gửi đến doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế quyết định về việc tập trung kinh tế thì việc tập trung kinh tế được thực hiện để tránh chậm trễ, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tập trung kinh tế phải chuyển từ thẩm định sơ bộ sang thẩm định chính thức là những trường hợp tập trung kinh tế có thể gây tác động hoặc có khả năng gây tác động một cách đáng kể trên thị trường. 

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần thẩm định kỹ, đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải có trách nhiệm thẩm định chính thức và ra quyết định về việc tập trung kinh tế đúng thời hạn nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh, đồng thời bảo đảm quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành manh, luật đã bổ sung hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác kinh doanh cùng loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Giải trình về Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, báo cáo phản ánh, có  ý kiến đề nghị sửa lại quy định theo hướng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, tương tự như quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, xem xét có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của các chức danh này lên 7 năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương do Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Quy định về bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là 55 năm, phù hợp với quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức của Chính phủ. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top