Tranh cãi rất nhiều, nhưng cuối cùng Quốc hội vẫn chưa chấp nhận mở rộng hình thức tố cáo.

Sáng 12/6, với 96,1% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tố cáo (sửa đổi).

Gồm 9 chương, 67 điều, luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

Qua nhiều phiên thảo luận, hình thức tố cáo là quy định gây nhiều tranh cãi với quan điểm trái chiều.

Ở báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số đại biểu đề nghị giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi.

Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… "Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành", ông Định cho biết.

Theo ông Định, đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức thư điện tử, fax, điện thoại…, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật. Vấn đề này được quy định tại điều 25 về tiếp nhận xử lý thông tin có nội dung tố cáo.

Như vậy, chốt lại "Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền" , theo điều 22.

Về bảo vệ người tố cáo, ông Định cho biết một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được bảo vệ là người cung cấp thông tin, người làm chứng, người nắm giữ các tài liệu quan trọng liên quan đến nội dung tố cáo, người trực tiếp xác minh và người giải quyết tố cáo... Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điều 47 của dự thảo luật xác định đối tượng được bảo vệ theo hướng làm rõ phạm vi "người thân thích của người tố cáo" trong quy định của luật hiện hành.

"Quy định này vừa kế thừa luật hiện hành, vừa bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ của điều luật, đồng thời tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo. Đối với các đối tượng khác, pháp luật hiện hành vẫn có đủ cơ chế để bảo vệ khi quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật giải trình.

Theo đó, luật quy định rõ, bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top