Blockchain được xem là giải pháp công nghệ tối ưu, có thể ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, ngân hàng... chứ không đơn thuần chỉ ứng dụng trong tiền thuật toán hay bitcoin như nhiều người đang nhầm lẫn.

Ngăn chặn mất tiền tỷ ở ngân hàng

Ngày 14/6, Báo VnExpress và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Diễn đàn Blockchain 2018: Tầm nhìn và Xu hướng phát triển (Blockchain Forum 2018).

Theo các chuyên gia, blockchain được định nghĩa là kho dữ liệu mà trong đó người dùng được kiểm soát thông tin. Tất cả các thành viên trong hệ thống sẽ được sở hữu thông tin giống nhau và mỗi máy tính sẽ trở thành máy chủ. Các dữ liệu được đồng bộ hóa trên toàn hệ thống khi có bất kì thay đổi nào.

Blockchain có 6 lợi ích, thứ nhất là đáng tin cậy và có sẵn, bởi nhiều người tham gia chia sẻ các chuỗi khối nên có khả năng chống lại các cuộc tấn công. Thứ hai, bất biến, vì việc tạo ra bất cứ thay đổi nào trên môi trường blockchain hầu như đều bị phát hiện, từ đó giảm thiểu các vụ gian lận. Thứ ba, không thể thu hồi, vì công nghệ này giúp các bản ghi không thể thu hồi được, giúp sự chính xác và đơn giản hóa các quy trình trở về và kết thúc.

Thứ tư, sát giờ thực tế, vì blockchain cung cấp các thông tin không bị gián đoạn và rất kịp thời. Thứ năm, tiết kiệm chi phí, do không có bên thứ ba hoặc người trung gian tham gia vào, công nghệ blockchain giúp cắt giảm chi phí. Cuối cùng, tính minh bạch, các cơ chế đồng nhất cung cấp lợi ích của các tập dữ liệu một cách thống nhất, nhất quán và giảm thiểu tối đa lỗi.

Xuất phát từ 6 lợi ích này mà blockchain được xem là giải pháp có hiệu quả tối ưu, có thể ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, ngân hàng... chứ không đơn thuần chỉ ứng dụng trong tiền thuật toán hay bitcoin như nhiều người đang nhầm lẫn.

Phân định rõ giữa hai khái niệm này, tại diễn đàn, ông Dane Elliott, Giám đốc kinh doanh Achain cho biết, thực tế, blockchain là một công nghệ và bitcoin là trường hợp đầu tiên sử dụng blockchain, nhưng không phải là tất cả của blockchain. Bitcoin xuất hiện và được coi là công cụ để giải quyết những giao dịch số ở cùng thứ hạng, cấp độ.

"Chúng ta không nên đánh đồng hai khái niệm này bởi nếu xem xét bitcoin một cách cụ thể nó sẽ là một khái niệm phức tạp nhưng không phải là blockchain", ông nhấn mạnh.

Đề cập kỹ hơn về bitcoin, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ DTT cho rằng, không nên gọi bitcoin là tiền ảo, bới tất cả các công nghệ chúng ta đang làm là số hóa không phải ảo.

"Chúng tôi đang đề xuất bỏ từ ảo mà dùng các thuật ngữ để mọi người hình dung đó là thật. Bởi ảo có nghĩa không sờ thấy được, còn cách mạng 4.0 là kết hợp số thực, bitcoin có thể đổi ra vật chất thực tại các nơi khác nhau trên thế giới", ông Trung nói.

Ông Trung lấy ví dụ như thời xưa đã sử dụng vỏ sò để quy ước đấy là tiền. Hay hiện nay vàng cũng được bản vị là một loại tiền tệ. Tương tự, bitcoin cũng là một loại tiền điện tử, tiền mã hóa. "Tiền blockchain được bản vị là tiền thật thì có thể xem là tài sản, cho phép trao đổi giá trị, lưu giữ các thông tin minh bạch", ông nói.

Quay trở lại khái niệm blockchain, để cụ thể hóa khái niệm này, ông Đặng Minh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Blockchain QNET lấy ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng.

"Gần đây, các tiêu cực trong ngành ngân hàng như khách hàng mất hàng trăm tỷ đồng hoặc hồ sơ của khách thế chấp ở nhiều ngân hàng khác nhau đã đặt ra vấn đề về tính bảo mật. Nếu ứng dụng blockchain để xây dựng hồ sơ thế chấp vay ngân hàng sẽ đảm bảo được hồ sơ này là duy nhất, không ai có thể thay đổi, sửa chữa, kể cả nhân viên ngân hàng.

Đặc tính của blockchain là sự minh bạch, không thể can thiệp nên triệt tiêu được tiêu cực. Điều này dẫn tới sẽ không còn chuyện một hồ sơ có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng hoặc nhân viên ngân hàng không thể đổi hồ sơ để rút tiền", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài ứng dụng trong việc lập hồ sơ của khách hàng, còn có thể áp dụng công nghệ blockchain trong các văn bản, các hồ sơ ở nhiều lĩnh vực khác.

Một ví dụ khác rất gần gũi được ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs đưa ra để minh họa về blockchain là vấn đề thu thuế hoạt động kinh doanh của Grab, Uber.

Theo đó, nhiều quan điểm cho rằng, do không thể kiểm soát được hoạt động, doanh thu của Grab, Uber nên Việt Nam bị thất thu thuế và dẫn đến tranh luận về việc đóng thuế của các doanh nghiệp này.

"Nếu giao dịch giữa các tài xế và Uber sử dụng nền tảng blockchain thì mọi thông tin sẽ minh bạch, khi đó, các cơ quan quản lý sẽ nắm bắt được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này và không còn những tranh cãi về thuế", ông Long khẳng định.

Từ thực tế nghiên cứu và triển khai ứng dụng blockchain trong một số lĩnh vực tại Việt Nam 2 năm qua, ông Long cho biết, doanh nghiệp của ông đã làm việc với một doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp để ứng dụng công nghệ blockchain trong quá trình sản xuất, kinh doanh trái xoài.

Theo đó, mọi thông tin liên quan đến sản phẩm đều được lưu trữ, từ khâu trồng đến thu hoạch, chế biến và người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có thể kiểm tra mọi dữ liệu về sản phẩm này. "Thậm chí mức độ chua của xoài ra sao, nên ăn hay không, cũng sẽ được hiển thị rõ khi ứng dụng công nghẹ blockchain", ông nói.

Vẫn là khái niệm mới mẻ với Việt Nam

Ông Đỗ Văn Long cũng cho rằng, đối với Việt Nam, blockchain vẫn còn là khái niệm mới mẻ và đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức.

Trong 2 năm qua, khi đi truyền tải về công nghệ, ông Long cũng gặp nhiều khó khăn bởi người Việt chưa nhìn nhận đúng về công nghệ blockchain. Song song với đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu về công nghệ, chưa định hướng được việc phát triển doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ.

Bà Nguyễn Huỳnh Phương Thảo, Giám đốc công ty TNHH World Tax Service đứng từ góc độ của một công ty luật và pháp lý cũng cho biết Việt Nam, khung pháp lý liên quan đến công nghệ blockchain vẫn còn nhiều hạn chế.

"Việt Nam có tài nguyên nhân sự, nhân lực kỹ thuật cao, đầy tiềm năng và sự thông minh để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu, chất lượng thế giới. Tuy nhiên vì những vướng mắc trong khung pháp lý mà Việt Nam rơi vào tình trạng chảy máu chất xám. Đây thực sự là một thiệt thòi và Việt Nam cần phải bảo vệ điều đó", bà Thảo cho biết.

Nói về blockchain, đại diện World Tax Service nhấn mạnh tính hiệu quả của ứng dụng trong quản lý Nhà nước. Ví dụ trong kiểm toán Nhà nước, bài toán blockchain giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, giám sát để lĩnh vực này hoạt động một cách minh bạch, hiệu quả.

"Xét theo khu vực châu Á, Việt Nam đang bị thụt lùi so với nhiều nước nếu không phá bỏ rào cản pháp lý để vực dậy công nghệ và vận dụng tiềm năng của chính chúng ta", bà Nguyễn Huỳnh Phương Thảo đề xuất.

Ông Manfred Otto, Luật sư cấp cao của Duane Morris Việt Nam bổ sung thêm, ở việt Nam, việc ban hành chính sách, tiền mã hóa, phương pháp thanh toán rất ít. Hầu như chưa có quy định liên quan tới vấn đề này. Sự điều tiết chỉ thực hiện cho những thành toán không sử dụng tiền mặt, các lĩnh vực khác rất hạn chế.

Ghi nhận những ý kiến từ phía doanh nghiệp, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư Pháp) khẳng định, ở góc độ quản lý Nhà nước, tại Nghị quyết 23 về chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam năm 2030 đã vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt và đón đầu trong công nghiệp 4.0, phải xác định trọng tâm của blockchain.

Ông Tú cũng nêu ra 4 điểm để giải quyết khâu pháp lý trong thời gian tới. Thứ nhất, khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên blockchain. Thứ hai, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng blockchain. Thứ ba, tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên. Cuối cùng, các bộ ngành phải rà soát về luật, các quy định hạn chế sự phát triển của blockchain cần loại bỏ, những điều giúp phát triển thì cần phải thêm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top