Đó là một số đề xuất tại phiên thảo luận sửa Luật Phòng chống tham nhũng tại Quốc hội trong ngày 13/6.
Theo đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) thì từ ý kiến của cử tri nên đổi tên luật là Luật Phòng, trừ tham nhũng để thể hiện quyết tâm tiêu diệt tham nhũng.
Tham nhũng cũng như sâu mọt đối với cây trồng, với sâu, với mọt ta nói trừ sâu, diệt cỏ chứ ta không nói chống sâu, chống cỏ, ông Việt phân tích.
Nhấn mạnh sự tham gia của nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, đại biểu Việt nhận xét dự thảo luật chỉ nói quyền, nghĩa vụ của công dân thì chưa thể hiện hết ý, vì toàn dân tham gia, chứ không phải chỉ công dân. "Đó là chưa nói đến người nước ngoài cũng tham gia trong cuộc chiến chống tham nhũng này", ông Việt phát biểu.
Mặt khác, theo đại biểu Việt, trong luật chỉ nói đến xử lý vi phạm, về khen thưởng đối với những người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng nhưng chưa rõ. "Trong chống Mỹ ta có danh hiệu "dũng sĩ diệt Mỹ "thì bây giờ có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng", mạnh dạn thể hiện quyết tâm của Đảng và chúng ta mong muốn phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc chiến này, ông Việt đề nghị.
Vấn đề mới khác được một số vị đại biểu thảo luận, tranh luận là hình thành cơ quan độc lập chuyên trách về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Dự thảo luật để hai phương án, một là tích hợp thẩm quyền vào hệ thống cơ quan thanh tra, hai là phân quyền cho nhiều cơ quan khác.
Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) thì nhược điểm nổi bật của cả hai phương án là tính độc lập yếu và chi phối bởi sự ràng buộc của quan hệ hành chính nên tính khả thi và hiệu quả không cao, dễ rơi vào hình thức không tạo ra được yếu tố đột phá về kiểm soát tài sản như kỳ vọng.
Một phương án khác có thể xem xét, theo đại biểu Xuân là hình thành một cơ quan độc lập chuyên trách về vấn đề này, giảm thiểu sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức nhất là những người có trách nhiệm tác động vào hoạt động kiểm soát tài sản, từ đó hứa hẹn nhiều hơn về tính khách quan, minh bạch. Tuy nhiên, nhược điểm nổi bật của phương án này là phải cho ra đời một cơ quan mới đầu tư về biên chế, cơ sở vật chất kinh phí về cơ bản là không phù hợp với tinh thần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đại biểu Xuân cho rằng trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng đang được đánh giá là còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp thì về lâu dài phương án 3 cần cân nhắc. Đây có thể coi là khoản đầu tư xứng đáng cho hoạt động phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay và tương lai, bà Xuân nhấn mạnh.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng việc thành lập cơ quan độc lập kiểm soát tài sản không hề tăng biên chế.
"Hiện nay ở nước ta đang có 3 cơ quan phòng, chống tham nhũng cấp cục, đó là ở Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an. Nếu chúng ta quyết tâm thành lập một cơ quan mới như chị Xuân đề nghị hoàn toàn có thể lấy người 3 cơ quan đó vừa có chuyên môn, kinh nghiệm mà không tăng biên chế", đại biểu Pha "hiến kế".
Ông Pha cũng cho biết, vừa qua có tháp tùng đoàn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đi khảo sát vấn đề chống tham nhũng ở Bungari và Rumani. Ở đó Quốc hội thành lập 2 cơ quan, một cơ quan về kiểm soát tài sản của công chức, một cơ quan chống tham nhũng hoạt động rất hiệu quả.
"Tôi đề nghị Quốc hội nên thành lập một cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức và chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", đại biểu Pha phát biểu.
Đề xuất này sau đó cũng nhận được sự đồng tình của một số vị đại biểu khác.
Post a Comment