Đã từ lâu những người thiên tả viện dẫn sự thành công của các quốc gia Bắc Âu trong việc áp dụng hệ thống phúc lợi hào phóng, trợ cấp, an sinh xã hội cao là bằng chứng cho thấy “thiên đường xã hội” là có thể đạt được. Những cuộc tranh luận về vai trò của chính phủ trong nền kinh tế và xã hội nên là lớn hay nhỏ luôn gay gắt và không có hồi kết khi phe tả chỉ vào Thụy Điển hay Đan Mạch là ví dụ cho cái gọi là “vừa công bằng vừa thịnh vượng” là một điều có thể đạt được.
Như cả ở Mỹ, trung tâm của thế giới tư bản, một nhân vật cổ suý cho hình thức “chủ nghĩa xã hội dân chủ” đã suýt trở thành người đại diện cho 1 chính đảng tranh cử Tổng thống. Có lời giải lý hợp lý nào cho điều này hay không?
Cuối thế kỷ trước, sự tan rã của khối XHCN mà mở màn là Liên bang Xô Viết đã đánh một đòn nặng vào lý thuyết cánh tả và những người ủng hộ cho tư tưởng tin vào sự phân phối của chính phủ để đạt được xã hội thịnh vượng và công bằng. Với số lượng ít ỏi những nước tuân theo lý thuyết này còn sót lại, có nước phải mở cửa ào ạt đón nhận kinh tế tư bản với thị trường tự do là trung tâm, nước vẫn áp dụng nền kinh tế tập trung thì nghèo nàn què quặt. Tuy nhiên ở những đất nước cổ kính trên bán đảo Scandinavia, một thiên đường xã hội được vẽ ra trước mắt những người dân Mỹ và thế giới: trợ cấp xã hội cao, lương tối thiểu cao, giáo dục miễn phí đến hết đại học và y tế miễn phí nhưng cả xã hội vẫn giàu có và hạnh phúc. Các nhà kinh tế học theo trường phái tư bản tự do có thể lý giải điều này như thế nào?
Năm 2016, ông Bernie Sanders, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang Vermont của Mỹ, nổi bật lên trong cuộc bầu cử sơ bộ với đường lối “dân chủ xã hội”, cổ suý nước Mỹ hãy học theo Đan Mạch, Thụy Điển để đem đến một cuộc sống sung túc cho người dân lao động. Tuy nhiên người Mỹ cũng nhìn sang những quốc gia xã hội ngay trên châu lục của mình, Venezuela và Brazil và được chứng kiến những xã hội đổ vỡ một cách thảm hoạ sau cuộc thử nghiệm hàng chục năm cái triết lý họ mang về từ tận nước Nga xa xôi.
Tại sao các nước Bắc Âu thì thành công, còn những quốc gia khác thất bại? Câu trả lời là vì các nước Bắc Âu không phải là những nước XHCN.
Các quốc gia trên bán đảo xinh đẹp này, giống như tất cả các quốc gia phát triển khác, đều có một nền kinh tế rất tự do và tôn trọng kinh tế thị trường. Tức là của cải của xã hội là do cá nhân sở hữu chứ không phải nhà nước hay cộng đồng, các nguồn tài nguyên do thị trường phân phối, không phải do chính phủ lập kế hoạch hay quyết định. Các nền kinh tế của họ cũng khuyến khích kinh doanh với ít quy định quan liêu. Chính phủ Đan Mạch không quy định mức lương tối thiểu như nhiều người lầm tưởng, mức lương tối thiếu của họ được thoả thuận hợp lý giữa doanh nghiệp và công đoàn.
…
Đúng là Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy cung cấp một hệ thống an sinh xã hội hào phóng cũng như y tế, giáo dục miễn phí cho người dân, giống như chính sách hình thức của các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Nhưng họ làm được điều đó dựa trên 2 yếu tố: “tích luỹ của cải xã hội trong giai đoạn phát triển thịnh vượng và một nền văn hoá đạo đức cao”.
“Chúng ta nên nhìn vào những quốc gia như Đan Mạch, như Thụy Điển và Na Uy, và học từ những điều họ đã làm được cho người dân lao động của họ“, ông Sanders nói trong một cuộc tranh luận trên truyền hình năm 2016. Khi người dẫn chương trình quay sang hỏi Hillary Clinton, bà ta cũng đồng ý rằng nước Mỹ phải “cứu chủ nghĩa tư bản khỏi sự thất bại của chính nó”, và đúng “Bán đảo Scandinavia thật tuyệt vời. Tôi yêu Đan Mạch“, bà Clinton trả lời.
Phe tả ở Mỹ có một tình yêu mãnh liệt với Bắc Âu trong hàng thập kỷ qua. “Đó là một quốc gia mà cái tên thôi cũng trở thành từ đồng nghĩa với thiên đường vật chất“, tạp chí Time viết trong một bài xã luận về Thụy Điển năm 1976. “Người dân ở đây được hưởng tiêu chuẩn sống hàng đầu thế giới … không một vấn đề nào như sức khoẻ yếu, thất nghiệp hay tuổi già gây gánh nặng tài chính đối với họ. Hệ thống phúc lợi trọn đời của Thụy Điển là vô song đối với bất kỳ xã hội tự do nào bên ngoài Scandinavia“. Năm 2010, một câu chuyện của Đài phát thanh quốc gia Mỹ ca ngợi cái cách “Đan Mạch phát triển thịnh vượng bất chấp thuế cao“. Đài NPR nói, quốc gia nhỏ bé Bắc Âu này, dường như đã phá vỡ quy luật trong kinh tế học, đã làm được điều mà những nhà kinh tế bảo thủ của Mỹ cho là bất khả thi: giảm tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói trong khi tăng thuế cao chót vót.
Nhưng một điều thú vị là chính những người Thụy Điển lại tách biệt họ hoàn toàn với những gì mà ông Sanders hay bà Clinton cỗ vũ. Vào năm 2015, Thủ tướng Đan Mạch khẳng định rõ ràng rằng nước ông không phải là chủ nghĩa xã hội.
“Tôi biết có một số người ở Mỹ coi mô hình kinh tế Bắc Âu tương quan với một loại xã hội chủ nghĩa nào đó. Vì thế tôi muốn làm rõ một điều. Đan Mạch không phải là nền kinh tế tập trung chủ nghĩa. Đan Mạch là một nền kinh tế thị trường“, ông Lars Lokke Rasmussen nói tại trường Harvard.
Học giả Thụy Điển Nima Sanandaji giải thích, sự giàu có của xã hội Bắc Âu mà từ đó các chính sách nhà nước phúc lợi của họ được dựng lên không phải là sản phẩm của CNXH. Trong cuốn sách: “Chủ nghĩa phi biệt lệ Scandinavia“, ông Sanandaji chỉ ra sự thịnh vượng của Thụy Điển “được tạo ra trong thời gian mà các chính sách tôn trọng thị trường tự do thống trị, thuế thấp hoặc trung bình, chính phủ can thiệp ít vào nền kinh tế“.
Chẳng hạn, Thụy Điển là một quốc gia nghèo trong hầu hết thế kỷ 19. Chính vì thế, vào những năm 1800, một làn sóng di cư lớn những người Thụy Điển tới Mỹ để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Thay đổi bắt đầu từ khoảng năm 1870, khi Stockholm tiến hành cải cách kinh tế thị trường. Chủ nghĩa tư bản năng động thay cho hệ thống nông nghiệp lạc hậu, và nhờ thế nước này đã giàu lên nhanh chóng. “Quyền tư hữu tài sản, thị trường tự do và pháp quyền kết hợp cùng với thế hệ những kỹ sư và doanh nhân được giáo dục tốt“, Sanandaji viết. Kết quả của sự kết hợp này là người dân Thụy Điển đã được chứng kiến “Một giai đoạn phát triển kinh tế nhanh và bền vững chưa từng có”. Trên thực tế, từ giữa năm 1870 đến 1936, Thụy Điển có tỷ lệ phát triển kinh tế cao nhất trong các quốc gia công nghiệp.
Phải đến cuối những năm 1960, chính phủ các quốc gia giàu có này mới quyết định chuyển sang cánh tả, và tới 1970 thì thuế bắt đầu tăng, phúc lợi xã hội hào phóng hơn, nhưng tinh thần khởi nghiệp quốc gia bị suy giảm.
Và xã hội Thụy Điển cũng không phải thiên đường trên mặt đất.
Cùng bài báo năm 1976, tờ Time viết Thụy Điển đang phải vật lộn với những vấn nạn như tội phạm, ma tuý, hiện tượng ỷ lại vào phúc lợi nhà nước và nạn quan liêu trở thành bệnh dịch. Những người Thụy Điển thành công, chẳng hạn Ingmar Bergman (đạo diễn phim nổi tiếng) – đang phải bỏ chạy ra nước ngoài để trốn hệ thống thuế cao chết người.
“Những con số cứ gia tăng khiến người ta dằn vặt bởi một câu hỏi quặn lòng lặp đi lặp lại: Liệu thiên đường Thụy Điển đang tụt dốc?“, tờ Time đặt câu hỏi.
Với việc tăng thuế, tỷ lệ phát triển cao nhất thế giới của Thụy Điển giảm nhanh chóng. Năm 1975, Thụy Điển là quốc gia giàu thứ 4 trên trái đất, tính theo GDP trên đầu người. Năm 1993, nước này tụt xuống vị trí 14. Sanandaji gọi cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa của Thụy Điển là “một thất bại khổng lồ”.
Tình trạng của Đan Mạch cũng tương tự như thế. Các khoản trợ cấp xa xỉ đang bị thu hồi trong bối cảnh người ta lo ngại về tình trạng lạm dụng phúc lợi xã hội và đạo đức làm việc bị xói mòn. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất, chính phủ cánh tả của Đan Mạch đã bị thay thế bằng một chính phủ trung hữu.
Tại Đan Mạch, học Cao đẳng, Đại học không chỉ miễn phí, mà sinh viên còn được nhận 1.000 USD/tháng trợ cấp sinh hoạt từ ngân sách chính phủ. Kết quả là sinh viên ở đây mất trung bình 6,1 năm để hoàn thành chương trình học được thiết kế cho 5 năm. Nước này cũng đánh thuế xe hơi lên đến 180% giá trị của chiếc xe, có lẽ để trả cho chương trình giáo dục tốn kém của mình.
Về tổng thể, mô hình kinh tế – xã hội của các nước Scandinavia tồn tại và có thành tựu lớn. Nhưng mấu chốt thực sự trong sự thành công độc đáo của bán đảo này không phải là nhờ vì các chính sách lệch tả, mà đó là văn hoá. Một xã hội gần như đồng nhất, một nền văn hoá coi trọng thành tín và trung thực, các mối liên kết cộng đồng lâu đời không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế toàn cầu và sự hỗn loạn của nhập cư, tinh thần trách nhiệm và sự tin tưởng vào pháp luật, đây là những yếu tố văn hoá bám rễ vào khu vực này trong hàng thập kỷ. Trong một cộng đồng dân cư nhỏ và thuần nhất, ít pha tạp (phần lớn là theo đạo Tin Lành và là dân bản địa), những quy tắc đạo đức này có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của người dân. Sự tích luỹ tài sản trong giai đoạn phát triển kinh tế cao, cộng với nền văn hoá hướng đến chuẩn mực cao của con người không phải sinh ra nhờ chính sách cánh tả, nó đã giúp quốc gia này sống sót và thịnh vượng bất chấp những chính sách này.
Tác giả Sanandaji còn đưa ra một quan sát rằng khi những người Bắc Âu rời bỏ quê hương tới Mỹ, họ mang theo cả những giá trị văn hoá tốt đẹp này đi theo, và nhờ thế thành tựu họ đạt được cũng tốt hơn. Những người Mỹ gốc Scandinavia có thu nhập cao hơn và tỷ lệ nghèo thấp hơn mức trung bình của Hoa Kỳ. Những người Mỹ gốc Đan Mạch có thành tích kinh tế vượt trội hơn so với người Đan Mạch vẫn sống ở Đan Mạch, cũng như người Mỹ gốc Thụy Điển giàu có hơn người Thụy Điển và người Mỹ gốc Phần Lan so với người bản địa tại Phần Lan. Nền văn hoá của bán đảo Scandinavia là một phúc lành đối với những quốc gia này, đồng thời cũng là phúc lành cho những người bà con đang sống bên kia đại dương.
Các nước Scandinavia không hề “phá vỡ quy luật của kinh tế học”, họ đã xác nhận điều đó. Với kinh tế tự do và một nền văn hoá với các giá trị đạo đức cao, hầu như tất cả các xã hội đều thịnh vượng.
Minh Trí
Nguồn Trí Thức VN
Post a Comment