"Có nước nào làm luật theo kiểu chúng ta không" là câu hỏi được Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình nêu tại hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018.
Hội nghị này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trong cả ngày 18/7.
Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại hội nghị nêu rõ, từ nay đến kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) và nhất là năm 2019, nhiệm vụ xây dựng pháp luật vô cùng nặng nề, khối lượng công việc phải thực hiện là rất nhiều, thậm chí là quá tải đối với một số cơ quan, trong khi đó kế hoạch bổ sung, điều chỉnh chương trình chưa rõ ràng.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ dành thời gian nhiều hơn nữa trong các phiên họp cho việc thảo luận tập thể để bàn sâu, thảo luận kỹ về từng chính sách được đề xuất và về các dự án luật, nội dung mà bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành có liên quan trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Liên quan đến vai trò của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, có tình trạng Chính phủ nửa đường đổi ý. Sau khi tổng kết thi hành chỉ đề nghị sửa đổi một số điều, đưa vào chương trình xây dựng luật không thay đổi, tới khi chuẩn bị trình ra Quốc hội lại đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi là sửa đổi toàn bộ.
"Có hai luật là Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự, chúng tôi không rõ ý kiến của Chính phủ thế nào trong quá trình chuẩn bị. Trong khi giữa việc sửa đổi một số điều và sửa đổi toàn diện, công tác chuẩn bị sẽ khác nhau. Đến nửa cuối đường bỗng dưng đổi ý. Chính phủ thông qua dễ nhưng sang Quốc hội, chúng tôi phải chạy theo rất mệt mỏi" bà Nga nói.
Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình thì Chính phủ đã đổi mới nên các phiên họp đều có mời Toà án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, cơ quan đảng tham gia.
Nhưng, ông Bình nhận xét: "chúng tôi thấy trong 1 buổi các đồng chí thảo luận 6 luật thì chắc chắn chất lượng không thể cao được. Tôi cũng ngồi một buổi để nghe thảo luận luật và tham gia, thì cơ quan soạn thảo báo cáo luật này có hai vấn đề lớn, các đồng chí còn ai có ý kiến khác không, thì tất cả đều đồng ý".
Ông Bình cho rằng, Nếu không giải được bài toán chuyên nghiệp trong xây dựng luật, từ Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thì dẫu có muốn mấy cũng không thể bố trí đủ thời gian vật chất cho câu chuyện này.
"Có một nước nào làm luật theo kiểu chúng ta không? Tôi không dám đánh giá câu chuyện này nhưng muốn đề cập cái gốc của vấn đề là tính chuyên nghiệp trong việc xây dựng luật", Chánh án Nguyễn Hoà Bình phát biểu.
Về 43 dự án luật Chính phủ đề xuất từ nay đến cuối nhiệm kỳ, ông Bình băn khoăn là không biết Chính phỷ đã cân nhắc kỹ chưa? dự định của cá dự án luật đã chín chưa? Kể tên các dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Luật Truy nã tội phạm, Luật Phòng chống tội phạm có tổ chức... Chánh án bình luận, nếu như mỗi chế định trong tố tụng hình sự có một đạo luật thì sẽ có câu chuyện đặt ra là chúng ta làm luật đến bao giờ? Truy nã cũng là một hoạt động thôi, trong tố tụng hình sự có rất nhiều việc phải làm, đề nghị Chính phủ cân nhắc, ông Bình nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị nên có tổng kết xem phương pháp làm luật thế nào. Trong thời gian qua, với cách làm bộ nào được giao chủ trì soạn thảo giao cho vụ pháp chế chủ trì soạn thảo thì theo Bộ trưởng chất lượng không thể đảm bảo được.
Bộ trưởng Tân cũng đề nghị thực hiện đúng quy trình xây dựng luật, đặc biệt là vấn đề lấy ý kiến cử tri.
Bộ trưởng phân tích, không phải tất cả mọi người đều tra trên cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc cổng thông tin điện tử của bộ về các dự án luật, các nội dung mà quá trình thảo luận còn ý kiến khác nhau thì nên lấy ý kiến nhân dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
Rất nhiều dự án luật chúng ta ban hành rồi, khi tổ chức thực hiện lại vướng, gặp nhiều khó khăn. Đề nghị không nên làm tắt, bỏ bớt quy trình, nên nghiên cứu khâu lấy ý kiến làm tốt hơn trong thời gian tới, ông Tân nói.
Post a Comment