Có người tưởng rằng, chỉ cần biết thật nhiều những đạo lý thâm sâu tốt đẹp, thì cuộc đời sẽ được cải biến, điều đó có đúng không?
Trong suốt cuộc đời, bạn đã nghe qua không biết bao nhiêu đạo lý, bất luận là giáo huấn của trưởng bối trong nhà, hay lời nhắc nhở thiện ý của những người xung quanh. Mỗi ngày, thông qua điện thoại di động, tạp chí và các phương tiện truyền thông, bạn cũng thấy hàng loạt các thông điệp, triết lý của cuộc sống. Đạo lý có ở khắp mọi nơi, ai cũng có thể đọc và hiểu chúng, thế nhưng vì sao không phải ai cũng có một cuộc đời như ý?
Chỉ nghe đạo không thể cải biến con người
Chỉ đọc đạo lý không thể thay đổi cuộc sống của bạn, cuộc sống của bạn nằm trong tay chính mình. Những đạo lý to lớn có thể hàm chứa những giá trị sống sâu sắc và thiết thực, có thể cảm hoá được một con người, nhưng cuộc đời mỗi người được thành tựu từ những sự việc xảy ra trong thực tế. Những sự kiện này được quyết định bởi thói quen hằng ngày của bạn.
Chúng ta thường kỳ vọng sau khi nghe được một đạo lý to lớn thì vài ngày sau, hay vài tuần sau sẽ có một thay đổi đáng kể trong cuộc sống hằng ngày. Hay, chỉ cần nghe giảng Đạo, ra khỏi cửa đã vỗ ngực xưng mình thành người mẫu mực, có thể đứng trên nhiều người trong thiên hạ. Nhưng đạo lý sẽ chỉ giống như lý thuyết thuần tuý nếu sau khi nghe xong, chúng ta không thực hành. Nói cách khác, “hành” mới là vấn đề chân chính mà con người phải đối mặt trong quá trình tu dưỡng bản thân.
Ai cũng có thể nghe được đạo lý nhưng đạo lý sẽ chỉ giống như lý thuyết thuần tuý nếu sau khi nghe xong, chúng ta không thực hành. (Ảnh: tuyduyen.net)
Ai cũng có thể nghe được đạo lý nhưng không phải cuộc sống của ai cũng phát sinh thay đổi. Lấy một ví dụ đơn giản, mọi người nghe và hiểu rất nhiều đạo lý trong việc giữ gìn sức khỏe nhưng đều không có tác dụng. Chỉ đến khi, con người hình thành thói quen lành mạnh dựa trên những lời khuyên hữu ích đó, sức khoẻ của họ mới được cải biến.
Như vậy, đạo lý bản thân nó nếu đứng một mình thì không có nhiều tác dụng trong cải biến vận mệnh của con người, không phải là liều thuốc vạn năng cho mọi vấn đề. “Học Đạo” thì phải “tu Đạo”, số phận mới thay đổi. Bên cạnh đó, hành xử theo Đạo mà không đúng cách, cũng không thể khởi tác dụng tốt đẹp. Bên cạnh đó, phải tìm được đạo lý chân chính mà theo, ắt mới có được thành công.
Ví như, vào cuối thời nhà Thanh, không ngừng xảy ra nhiều sự thay đổi ‘nghiêng trời lệch đất’, những học thuyết mới liên tục xuất hiện, các loại đạo lý nhiều vô số kể. Sinh ra trong thời đại nhiều biến hóa này, Lương Khải Siêu đã được tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau. Đối diện với nhiều học thuyết, đạo lý, nhưng Lương Khải Siêu cũng không tiếp thu toàn bộ.
Trong “Lăng nghiêm kinh” có nói: “Lý khả đốn ngộ, sự tu tiềm tu, từ trước đến nay yếu tố có thể khiến nhân sinh thay đổi chưa bao giờ là những đạo lý thông thường”. Đạo lý chỉ là trừu tượng, mang tính phổ biến, nhưng cuộc sống không như vậy. Cuộc sống không thể nào luôn luôn bất biến, hơn nữa mỗi người đều có cuộc sống không giống nhau. Thậm chí cuộc đời bạn một khắc trước có thể như thế này, nhưng một khắc sau đã hoàn toàn thay đổi.
Mỗi người chúng ta đều là một cá thể độc lập, không giống như một người mù phải bước đi dựa vào sự chỉ dẫn của người khác. Khi bạn áp dụng đạo lý của người khác cho bản thân mình, thì không nhất thiết có hiệu quả. Vậy nên, nghe Đạo, hành xử theo Đạo cũng cần thanh tỉnh và có lý trí. Nếu không, Đạo không thể khởi tác dụng như chúng ta vẫn kỳ vọng.
Thói quen là chìa khoá để thay đổi số phận
“Tri dịch hành nan”, nghe đạo lý rất dễ nhưng dựa theo đạo lý mà làm thì rất khó, thói quen là một trong những nhân tố giúp bạn thành công. Ca Đức nói rằng: “Điều tốt nhất không phải là những hoang tưởng khi mặt trời lặn, mà là những hành động thiết thực khi mặt trời mọc”. Đạo lý đã nghe qua hàng ngàn lần, không bằng bước tiếp một bước, biến đạo lý trở thành thói quen.
Thói quen là một loại sức mạnh kiên định và lớn lao, có thể làm chủ cuộc sống. Không có ai khi bắt đầu đã sở hữu một năng lực hơn người, cũng không có người nào hành xử tùy tiện liền có thể thành công. Bí quyết thành công là những kinh nghiệm được tích góp từ cuộc sống, thông qua những thói quen hằng ngày.
Đạo lý đã nghe qua hàng ngàn lần, không bằng bước tiếp một bước, biến đạo lý trở thành thói quen. (Ảnh: youtube.com)
Có người nói: “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Thói quen là nền tảng của vận mệnh, con người chính là nhờ vào thói quen mà sống. Có nghiên cứu làm rõ: Lặp đi lặp lại một hành động 21 ngày sẽ hình thành thói quen, mà lặp đi lặp lại chúng trong 90 ngày sẽ tạo ra một thói quen ổn định.
Một động tác lặp đi lặp lại 21 ngày sẽ trở thành động tác quen thuộc như thói quen, một suy nghĩ được lặp đi lặp lại 21 ngày sẽ trở thành suy nghĩ mang tính chất thói quen, thói quen một khi được sinh ra sẽ ảnh hưởng đến ý thức tiềm ẩn của con người, hành vi của bạn sẽ thay đổi trong khi bạn hoàn toàn không biết. Như vậy, chỉ hành động hời hợt hoặc một lần thôi chưa đủ mà phải lặp lại chúng nhiều lần, tạo thành thói quen, mới khởi được tác dụng tốt đẹp.
Lão Tử từng giảng: “Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi, trung sĩ văn đạo nhược tồn nhược vong, hạ sĩ văn đạo đại tiếu chi bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”. (Bậc thượng sĩ là người có trí tuệ thì luôn nghiêm túc đi học đạo, trung sĩ cảm thấy học cũng được mà không học cũng được, kẻ hạ sĩ chỉ xem đạo như truyện cười, không hiểu nên không học). Vậy nên, một con người muốn tu dưỡng đạo đức cần biết biến Đạo thành hành vi.
Lương Khải Siêu sinh ra ở Tân Hội, tỉnh Quảng Đông, trước khi ông được sinh ra, Lương gia đã sinh sống ở đây gần hai trăm năm mươi năm. Tổ tiên của ông làm nghề nông canh, vào thời kỳ đó ai cũng biết đạo lý đọc sách làm quan mới có thể “quang tông diệu tổ” (làm rạng danh tổ tiên), nhưng cho đến đời ông nội của Lương Khải Siêu mới bắt đầu “lập chí học hành”, đạo lý này mới được áp dụng, sau đó biến thành thói quen.
Khi Lương Khải Siêu nói về học tập, đọc sách, sẽ không nói đến lợi ích của việc học tập và đọc sách, mà chỉ khuyên mọi người nên bồi dưỡng thói quen học tập, đọc sách. Không phải do đạo lý vô dụng mà do con người thường không có thói quen hợp nhất hiểu biết và thực hành. Khoảng cách giữa đạo lý và thay đổi cuộc sống quả thật rất lớn, mà việc kết hợp giữa hiểu biết và thực hành lại là cây cầu nối liền khoảng cách này. Nếu như bạn không sử dụng đạo lý một cách chân chính, đương nhiên sẽ không thể có bất cứ thay đổi nào trong cuộc sống của bạn.
Vì vậy, nghe nhiều đạo lý không có tác dụng, quan trọng là bạn biết cách biến đạo lý trở thành thói quen, tín niệm của bản thân; khi bạn sở hữu nhiều thói quen tốt, thì cuộc sống của bạn mới có thể thay đổi.
Đạo lý cần dung nhập vào thói quen
Nếu thói quen không phải là một đầy tớ tốt nhất thì nó chính là một chủ nhân xấu nhất. Sự khác biệt giữa thành công và thất bại, giữa phi thường và tầm thường không phải nằm ở sự hiểu biết nhiều hơn, mà là khả năng biến mỗi một đạo lý lớn trở thành từng thói quen của bản thân.
Khi bộ não của bạn hiểu được một đạo lý thì đồng thời cơ thể cũng phải hiểu, phải hành động thường xuyên, khiến đạo lý dung nhập vào thói quen. Chỉ có như vậy bạn mới có thể đem nội dung của những đạo lý bạn từng nghe biến thành hành vi, mới có thể vận dụng đạo lý thay đổi số phận.
Không “hành” thì những đạo lý đó đối với con người có tác dụng rất ngắn, thậm chí trong chốc lát. Khiến đạo lý dung nhập vào thói quen mới là cái gốc hình thành nên đạo đức của con người; mà bản chất đạo đức ngày một nâng cao, thì cả đời người đều sẽ hưởng lợi ích nó đem lại. Vậy nên, khi nghe được một điều gì đó sâu sắc, đúng đắn, đừng chần chừ mà hãy hành động theo.
Cho dù có nghe qua càng nhiều triết lý nhưng không vận dụng vào cuộc sống thì cuộc đời bạn vẫn “dậm chân tại chỗ”. (Ảnh: theepochtimes.com)
Trong “Kinh dịch” ghi chép: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, ý nói rằng, quy luật của sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ lâu bền. Làm người hay khi làm một việc gì đó đều phải thông đạt, làm cho đến đầu đến đũa, chỉ nghe mà không hành thì không được, và phải kiên trì đến cùng, mới hy vọng có thể thay đổi tốt đẹp, lâu dài.
Giống như Lương Khải Siêu, “đa biến” là hai từ mà hậu thế dùng để đánh giá ông nhiều nhất, mà thật sự trong cuộc đời mình, quan điểm của ông biến hóa vô số, cũng thay đổi vô số con đường; đây không phải là thông đạt đạo lý, phát huy đến cực điểm, chân chính đưa đạo lý hoà nhập vào cuộc sống, biến nó thành một thói quen sao?
Xưa nay, có thể cải biến số phận con người chưa từng là những đạo lý được viết trên giấy hay nghe bên tai, mà nhờ vào hành động của bạn. Cho dù có nghe qua càng nhiều triết lý nhưng không vận dụng vào cuộc sống thì cuộc đời bạn vẫn “dậm chân tại chỗ”. Hút thuốc có hại cho sức khỏe, đạo lý này không ai không biết, nhưng vẫn có rất nhiều người đắm chìm trong nó.
Hãy thay đổi thói quen xấu, hình thành thói quen tốt, đem đạo lý nhớ trong tim, dùng hành động biểu hiện ra ngoài, đem ngôn ngữ thiện ý biến thành thói quen của bạn. Khi bạn sở hữu nhiều thói quen tốt, việc có một cuộc sống tốt đẹp không còn là ước mơ xa vời.
Khải Phong / ĐKN
Post a Comment