Hoạt động của quỹ từ khi thành lập đến nay không hiệu quả, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định tại tờ trình về phương án giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố.

Kỳ họp thứ 12 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ bắt đầu từ sáng 10/12, trong nội dung sẽ xem xét tờ trình nói trên.

Theo tờ trình, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng thành lập cuối 2013 và hoạt động từ tháng 3/2014. Vốn điều lệ ngân sách cấp là 50.000.000.000 đồng và nguồn vốn khác 14.562.281.348 đồng.

Đến ngày 30/6/2019 tổng vốn hoạt động của Quỹ là 64.562.281.348 đồng.

Lý do xin giải thể được nêu đầu tiên là hoạt động của Quỹ từ khi thành lập đến nay không hiệu quả. Uỷ ban nhân dân thành phố cho biết, quá trình hoạt động Quỹ này mới cấp bảo lãnh cho 15 lượt (14 doanh nghiệp) theo phương thức tín chấp với giá trị 18,1 tỷ đồng.

Bình quân số bảo lãnh trong 5 năm là 3,6 tỷ đồng/năm, quá ít so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và quy mô hoạt động của Quỹ, chỉ bằng 1/4% so với mức được phép bảo lãnh.

Tờ trình cũng nêu rõ, thu phí bảo lãnh tín dụng (1% giá trị bảo lãnh/năm) không đủ để trích lập dự phòng chung (0,75% giá trị bảo lãnh/năm) và trả phí uỷ thác (0,5% giá trị bảo lãnh/năm).

Lý do nữa cần giải thể là không đảm bảo an toàn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo nghị định số 34/2018 của Chính phủ thì chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế về các biện pháp bảo đảm, thẩm quyền quyết định đối với từng biện pháp bảo đảm, trường hợp miễn tài sản bảo đảm của quỹ căn cứ vào các tiêu chí lĩnh vực ngành nghề ưu tiên phát triển của địa phương, điều kiện tài chính của doanh nghiệp, mức độ rủi ro của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của quỹ và các tiêu chí khác theo yêu cầu của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Nhưng, thực tế khi có tài sản bảo đảm doanh nghiệp thế chấp tại ngân hàng thương mại để vay vốn, không cần bảo lãnh tín dụng. Trường hợp miễn tài sản bảo đảm như trên thì rủi ro rất lớn và không đảm bảo được nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn theo quy định tại nghị định 34 và Luật Ngân sách nhà nước.

Mặt khác, việc quy định vốn điều lệ thực có tối thiểu 100 tỷ đồng do ngân sách cấp, nhưng với những vướng mắc nêu trên thì việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ cũng không mang lại hiệu quả trong hoạt động bảo lãnh tín dụng.

Theo tờ trình, sau khi phương án giải thể Quỹ được hội đồng nhân dân thành phố chấp thuận, uỷ ban nhân dân thành phố sẽ quyết định giải thể Quỹ.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top