Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý đầu tư nước ngoài trong phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đi kèm với văn bản là danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. 

Theo cập nhật đến ngày 30/8/2019, có đến 25 sản phẩm nằm trong danh sách này. Trong đó, có 3 sản phẩm nằm ở mức độ cảnh báo 4 tức là cơ quan điều tra nước ngoài đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Gồm: Gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng, ống cơ khí bằng thép và hợp kim lạnh, bánh xe thép. 

9 mặt hàng nằm trong mức độ cảnh báo 3 tức là kim ngạch nhập khẩu từ nước bị điều tra ở mức cao trước khi bị áp thuế nhưng đã giảm mạnh sau khi bị áp thuế. Trong cùng giai đoạn kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam ở mức cao/có tăng trưởng đột biến với kim ngạch đáng kể/ đã có thông tin cảnh báo từ Thương vụ/Đại sứ quán/Hiệp hội/Doanh nghiệp về nguy cơ điều tra. 

Các mặt hàng này gồm: Đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn, thép tiền chế, tấm nhôm hợp kim thông dụng, xi lanh propane thép.

12 mặt hàng ở mức độ cảnh báo 2 và 1 gồm: Vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, lá nhôm, ghim đóng thùng, Gluconate natri, phụ kiện rèn bằng thép, dây thun, ống hàn đường kính lớn, sản phẩm đúc bằng gang, Xơ sợi tổng hợp, thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí, Glycine.

Mức độ cảnh báo 2 và 1, kim ngạch nhập khẩu từ nước/vùng lãnh thổ bị điều tra áp thuế ở mức cao trước khi bị áp thuế nhưng đã giảm mạnh sau khi bị áp thuế hoặc không lớn. Trong cùng giai đoạn, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam còn thấp,không có tăng trưởng cao.

Để hạn chế tối đa các vụ việc gian lận thương mại thông qua hình thức đầu tư tại Việt Nam và tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cung cấp danh sách tổng hợp cho các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương các cấp để nắm bắt thông tin, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động theo dõi thường xuyên biến động của đầu tư nước ngoài (bao gồm đầu tư mới, mua bán, sáp nhập hoặc thay đổi tỷ lệ sở hữu) trong các ngành sản xuất, kinh doanh những sản phẩm thuộc danh sách. 

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu bất thường của đầu tư nước ngoài vào các sản phẩm này hoặc xuất hiện sản phẩm mới, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và hạn chế việc cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời thông báo danh sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương để phối hợp trong công tác quản lý nhà nước và có biện pháp xử lý khi cần thiết. 

Ngoài ra, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo hoạt động đầu tư nước ngoài theo quy định tại Điều 71 của Luật Đầu tư để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thẩm định, xem xét kỹ và cẩn trọng các dự án có nguy cơ dịch chuyển công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam để tận dụng chính sách thương mại thuận lợi trong các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với các nước (như CPTPP, EVFTA, VKFTA…). 

Khi thấy có hiện tượng thuộc trường hợp nêu trên, cần kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý đầu tư nước ngoài trên địa bàn, thường xuyên cập nhật nội dung cảnh báo của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh thương mại nhằm hạn chế tối đa các vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top