Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm nay, có được thực hiện hay không, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều hay ít đều phụ thuộc hoàn toàn vào... thiện chí của các bộ, theo báo cáo của VCCI được công bố sáng nay, 26/12.
Như thường lệ, báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam, một sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không thể thiếu phần bình luận về cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét, trong nhiệm kỳ này có hai đợt sóng lớn cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Làn sóng thứ nhất vào năm 2016 đã xoá bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh, chấm dút điều kiện kinh doanh trong các thông tư, điều kiện kinh doanh phải được quy định trong nghị định.
Làn sóng thứ hai diễn ra vào 2018, theo đề nghị của VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ quyết liệt yêu cầu cắt giảm và đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh. Kết quả hàng trăm điều kiện kinh doanh được bãi bỏ và đơn giản hoá, đạt được con số trên 50% như yêu cầu.
Tất nhiên thực chất thì còn là vấn đề, có những nghiên cứu chỉ ra là chỉ cắt giảm và đơn giản được 30% thôi, hành trình cắt giảm, đơn giản hoá vẫn cần tiếp tục dù rất gian nan, nhiều lĩnh vực còn phiền hà lắm, ông Lộc nói thêm.
Nhưng đáng chú ý, theo Chủ tịch VCCI thì cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong năm 2019 dường như lặng lẽ hơn.
Chung nhận định này, các tác giả báo cáo của VCCI khái quát, so sánh với 2018, năm mà làn sóng cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được thực hiện ở phần lớn các lĩnh vực mà các bộ quản lý với mục tiêu cụ thể phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, hoạt động này tiếp tục được chỉ đạo thực hiện trong năm 2019 nhưng không đặt ra mục tiêu cụ thể như năm ngoái.
Như vậy, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm nay, có được thực hiện hay không; cắt giảm, đơn giản hóa nhiều hay ít đều phụ thuộc hoàn toàn vào... thiện chí của các bộ.
Có lẽ đây là lý do để "những gợn sóng nhỏ' hay " lặng lẽ" là hình ảnh được chọn để nói về hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong năm 2019.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết, tính đến giữa tháng 11/2019, VCCI chỉ nhận được hai đề nghị góp ý của hai bộ đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do bộ quản lý, đó là Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Đối với các bộ khác, VCCI không có thông tin về hoạt động này.
Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/6/2019 về đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với doanh nghiệp thì Bộ cũng chỉ biết được thông tin có hai bộ (gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 02 trong năm 2019.
Có thể thấy, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm nay khá "lặng lẽ". Sau một năm với những chuyển động tích cực có tính cải cách, đột phá thì dường như năm nay, sự "nhiệt tình" của một số bộ đã giảm đi đáng kể hoặc có thể các Bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ mình quản lý hơn nữa? nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi.
Chi tiết hơn về những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hoá, trong lĩnh vực y tế và công thương, nhóm nghiên cứu cũng hơn một lần phải đưa ra nhận xét rằng thực hiện trong phạm vi hẹp, vẫn còn hình thức, chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp...
Tóm lại, nếu năm 2018, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được ví như những "đợt sóng lớn", mạnh mẽ thì đến năm 2019, hoạt động này chỉ là những "gợn sóng nhỏ", theo VCCI.
Lý giải nguyên nhân, báo cáo nhìn nhận, có thể, sau hoạt động rà soát tích cực và cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ năm ngoái, một số cơ quan quản lý cho rằng: các điều kiện kinh doanh hiện tại đã khá hoàn chỉnh, khó có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa hơn. Hay, cần có thời gian đánh giá hiệu quả của đợt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trước khi thực hiện đợt rà soát tiếp; bị giới hạn không gian cải cách bởi các quy định tại luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực của hoạt động rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm 2018 thì còn nhiều vấn đề băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng vẫn có rất nhiều không gian cho hoạt động cải cách cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn phản ánh.
Báo cáo cũng nêu giả thiết, có thể, trong năm 2019 hoạt động rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn đang được các bộ triển khai nhưng việc không công bố rộng rãi hoặc thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn khiến cho các đối tượng chịu tác động không nhận biết được chính sách, không có cơ hội tiếp cận và nêu lên tiếng nói của mình.
Sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình rà soát này sẽ đảm bảo tính khả thi và sự đồng thuận khi chính sách được ban hành, VCCI nhấn mạnh.
Post a Comment