Quốc hội đã quyết định để Chính phủ tự quyết định nhà đầu tư làm sân bay Long Thành, vậy Chính phủ có giao dự án này cho ACV như đề xuất ban đầu nữa hay không?
Đó là câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ chiều 2/12. Trả lời, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quá trình làm báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành giai đoạn 1 thì Bộ đã đề xuất Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm sân bay Long Thành trên cơ sở đã cân nhắc các yếu tố khác nhau.
Vừa qua thì Quốc hội đã giao cho Chính phủ tự chọn nhà đầu tư làm sân bay Long Thành, nếu được giao nhiệm vụ thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ chọn nhà đầu tư có năng lực phù hợp thực hiện dự án này, Thứ trưởng Đông cho biết.
Ông Đông không khẳng định là có tiếp tục chọn ACV làm sân bay Long Thành nữa hay không.
Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trong những vi phạm xảy ra tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, các cơ quan chức năng vẫn tiến hành các sửa chữa, khắc phục các vấn đề phát sinh đối với tuyến đường như đã thỏa thuận cam kết giữa các bên thực hiện dự án, song song với hoạt động điều tra.
Ông Đông thông tin, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng ngãi sử dụng vốn vay của JICA (cơ quan phát triển Nhật Bản) và WB (Ngân hàng Thế giới). Theo đó, Bộ là người quyết định đầu tư còn Tổng Cty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư của dự án.
Thực tế, VEC có vay lại phần vốn vay ODA của Chính phủ vay về (từ JICA, WB) và sẽ tổ chức thu phí với tuyến đường để hoàn trả nguồn vốn vay này.
Thứ trưởng khẳng định, theo quy định của các pháp luật liên quan, với vai trò người quyết định đầu tư, Bộ có trách nhiệm quyết định và kiểm tra việc thực hiện dự án. VEC chịu trách nhiệm quyết định từ phương thức đầu tư tới thiết kế, thi công dự án.
Về những khiếm khuyết, hư hỏng của tuyến đường, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ đã và đang rất quyết liệt chỉ đạo VEC khắc phục những vấn đề phát sinh. Bộ đã yêu cầu cơ quan tham mưu là Cục quản lý chất lượng công trình thi công để tham mưu, xác định rõ trách nhiệm với các chủ thể liên quan.
Ông Đông khẳng định, giai đoạn hiện nay, tuyến đường đang nằm trong thời gian bảo hành, trách nhiệm khắc phục khiếm khuyết, hư hỏng thuộc chủ đầu tư và các nhà thầu.
"Quan điểm của Bộ là phát khắc phục triệt để, đảm bảo khả năng khai thác công trình một cách lâu dài. Vậy nên Bộ luôn thống nhất, quán triệt chỉ đạo theo hướng này. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ có trách nhiệm với việc đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện đúng hợp đồng cam kết, ông Đông trả lời.
Vẫn về dự án này, câu hỏi đặt ra với Bộ Công an là việc bắt giữ một số người liên quan, dự án cũng được đưa vào diện theo dõi chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có ảnh hưởng thế nào đến việc sửa chữa tuyến đường khi các hỏng hóc ngày càng nhiều.
Trả lời, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định, về cơ bản, việc bắt giữ những cá nhân để điều tra các sai phạm trong dự án không ảnh hưởng nhiều về việc bảo dưỡng, duy tu tuyến đường.
Tuy nhiên, tướng Xô cũng xác nhận, tại một số thời điểm nhất định, công tác điều tra cũng sẽ có ảnh hưởng tới hoạt động này. Bộ Công an sẽ cố gắng để giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến đường.
Post a Comment