Nhân sự là một vấn đề rất nóng trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam liên tục đón thêm các tên tuổi mới. Trên thực tế, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng giành giật phi công giữa các hãng ở Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải cũng phải thừa nhận đã có cạnh tranh không lành mạnh trong việc tuyển người, nhất là phi công và thợ máy.
Phát biểu tại chuyên đề về hàng không trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam ngày 9/12, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam chỉ ra một thực tế tình trạng khan hiếm nhân lực hàng không không chỉ diễn ra ở các hãng bay mà ngay ở cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn cử như, mỗi khi các hãng tăng 10 máy bay mới, cục cũng cần thêm 2 nhân sự giám sát an toàn khai thác tàu bay. Nhưng theo quy định hiện tại, 2 người nghỉ hưu mới được tăng 1 người, trong khi đội tàu bay của các hãng nội địa thời gian qua tăng đột biến.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nếu vài năm tới, cục không được tăng thêm 8 biên chế giám sát viên, các hoạt động bay vẫn sẽ chỉ dừng ở mức hiện tại. Sắp tới, có thể Cục phải thông báo tới các hãng không được nhận thêm tàu bay mới.
Cũng theo ông Cường, do vướng cơ chế, 2 năm nay, Cục Hàng không không thể trả tiền cho Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar hay Hải Âu khi thuê phi công của các hãng này làm giám sát viên an toàn bay.
Từ đó, ông Cường kiến nghị, Nhà nước cần có giải pháp ưu đãi để thu hút nhân lực trong lĩnh vực đặc thù như hàng không. Với nghề giám sát viên an toàn bay, nhân sự phải từng làm phi công. Nhà nước không thể tạo ngay một nhân sự có trình độ, kinh nghiệm như vậy.
"Hiện nay, lương phi công trung trình từ 120 triệu đến 300 triệu, Cục không thể có tiền trả. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi để thu hút phi công về làm cho cục, không thì họ vẫn đi bay cho các hãng", ông Cường nói. Ngoài giám sát viên an toàn bay, Cục còn thiếu nhân sự các vị trí khác như quản lý bay, an ninh hàng không hoặc cảng...
"Không đáp ứng được điều kiện trên, hàng không Việt Nam sẽ bị hạ cấp xuống như Indonesia, Malaysia, Philippines... Điều này chắc chắn sẽ làm giảm uy tín của các hãng bay khi ra thị trường quốc tế", ông Cường nói.
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch cụ thể về nhu cầu nhân lực giám sát an toàn hàng không từ nay đến năm 2025. Theo đó, Cục Hàng không tính toán tới năm 2020 sẽ cần 56 giám sát viên bay, đủ để đảm bảo giám sát cho 295 máy bay; đến năm 2025 số giám sát viên bay sẽ là 86 và giám sát 449 máy bay.
Theo Quyết định 51/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cho phép Cục Hàng không Việt Nam áp dụng một số cơ chế tài chính đặc thù, cho phép cơ quan này được thuê giám sát viên an toàn bay làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, Cục Hàng không cho biết thủ tục đấu thầu thuê giám sát viên an toàn hiện rất khó thực hiện.
Post a Comment