Trong khi các hãng bay lo ngại với áp lực hạ tầng hàng không như hiện tại, việc ồ ạt cấp phép các hãng bay mới sẽ khiến miếng bánh slot khó chia vì quá nhỏ, Cục Hàng không lại cho rằng vẫn đủ để chia.

Lo hạ tầng, hay lo mất thị phần?

Trả lời câu hỏi việc thành lập các hãng hàng không trong điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng được hiện nay có gây khó khăn cho các hãng hàng không?, tại toạ đàm Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức, Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương nói: Trong 8 năm qua từ ngày đầu tiên đến nay chúng tôi chung sống với cạnh tranh nên có thêm cũng là việc bình thường.

Nếu hôm nay không có hãng bay mới thì ngày mai sẽ có vì nhu cầu thị trường lớn, Việt Nam có gần 100 triệu dân, 200 tàu bay, 22 sân bay, năng lực chưa đáp ứng được nhu cầu, số tàu bay chưa đủ, nên việc cần có thêm tàu bay mới, các hãng mới để đáp ứng được nhu cầu là bình thường.

Tuy nhiên, theo ông Phương, hạ tầng hàng không hiện nay đang rất khó khăn. Chẳng hạn tại Tân Sơn Nhất, năng lực điều hành bay chỉ ở mức 44 chuyến một giờ. Vietjet Air nhận yêu cầu lớn từ địa phương là tăng vận tải mà miếng bánh bé thế làm sao mà chia? 

"Trách nhiệm là ở Bộ Giao thông, Cục Hàng không, chúng tôi đã làm cha mẹ thì để miếng bánh to thì mới có thể chia cho các con, còn nếu bé thế thì không chia được gì cả", ông Phương nói và thêm rằng: Hạ tầng đang khó thế, đang phải chắt chiu từng slot, mà tiếp tục đưa tàu bay về, trong khi Vietjet Air hay Vietnam Airliens đều có nhu cầu tăng tàu bay thì bài toán tăng là thế nào? Tất nhiên, khó khăn thì chúng tôi phải khắc phục thôi.

Lo ngại áp lực hạ tầng là một vấn đề, trong khi đó, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng, áp lực lên nguồn nhân lực cũng không kém. 

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, bản chất nguồn lực hàng không thuộc loại hiếm như phi công, năm vừa rồi thông tin tranh giành phi công. Nguồn lực này xã hội chưa có nguồn cung ứng nên việc một hãng lấy của hãng khác sẽ không tạo ra gì mới cho xã hội mà chỉ làm đổ vỡ kế hoạch từ trước của hãng. "Nhà nước cần có chính sách quản lý rõ ràng, phát triển theo quy hoạch", ông Thành kiến nghị.

Miếng bánh vẫn đủ chia cho tất cả?

Ở góc độ quản lý nhà nước, trả lời chất vấn của hai hãng hàng không trên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng khẳng định: Trong báo cáo Bộ Giao thông Vận tải Cục Hàng không đã đánh giá với việc ra đời các hãng hàng không mới thì tốc độ tăng năng lực cung ứng so với nhu cầu thị trường vẫn đảm bảo được, không hãng nào đói nếu làm ăn lành mạnh, miếng bánh đủ chia cho tất cả. 

Về kết cấu hạ tầng, ông Thắng nói, chỉ mỗi sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn mà đề án của các hãng thì Tân Sơn Nhất không phải điểm quyết định của họ, các sân bay khác năng lực vẫn đảm bảo được, vấn tiếp tục phát triển.

Vậy thì giải pháp nào cho Tân Sơn Nhất? Theo ông Thắng, bản thân các hãng cũng phải tự cải thiện, hãy nhớ 3-4 năm trước năng lực điều hành bay chỉ 36 chuyến 1 giờ nay tăng lên 44 chuyến. Trong khi đó, năng lực điều hành bay trên trời đảm bảo được lên đến 54 chuyến, vừa rồi Cục Hàng không cũng định tăng năng lực 46 chuyến. 

Bên cạnh đó, trong tháng 12 tới, Cục Hàng không ra đời 2 trung tâm điều hành sân bay theo mô hình thế giới, để nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng hàng không tốt.

"Bản thân các hãng hàng không cũng cải thiện để giảm thời gian quay đầu của máy bay. Chúng tôi ngày đêm nghĩ cách cải tiến. Còn nút thắt thể chế, Nghị định 102 Bộ Tư pháp thẩm định xong sẽ tháo gỡ những cái này", Ông Thắng khẳng định.

Nhấn mạnh thêm việc ra đời hãng hàng không mới là tín hiệu tốt, ông Thắng cho rằng, thị trường có tiềm năng phát triển, có khả năng làm ăn được thì các hãng mới xin thành lập, chỉ buồn nhất là không ai muốn thành lập hãng mới. Phải nhìn nhận vấn đề này tích cực.

Ông Thắng so sánh với các quốc gia trên thế giới để chỉ ra tiềm năng phát triển hàng không ở Việt Nảm rất lớn. Chẳng han như, ở các nước phát triển như Mỹ dân số 300 triệu thị trường 800 triệu hành khách, dân số ta 97 triệu thì 78 triệu hành khách thị trường. Như vậy, tỷ lệ của Việt Nam chưa đạt 1:1, mà so với dân số Mỹ là 1:3. 

Hay như Thái Lan là 16 hãng, Singapore có 1 thành phố mà 6 hãng, Malaysia 10 hãng, Indonesia 20 hãng, Philipins là 12 hãng mà Việt Nam chỉ có 5 hãng, như vậy số hãng hàng không của chúng ta khiêm tốn. Đề án phát triển hãng hàng không đang đề xuất gồm 3 hãng Vinpearl Air, Kite Air và Viettravel Airlines. "Thị trường rất lớn, việc các hãng hàng không mới ra đời là tất yếu", Cục trưởng Hàng không khẳng định.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top