Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 22%.

Bộ Tài chính vừa có công văn 14813 gửi xin ý kiến các Bộ, ngành lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125 của Chính phủ, trong đó có liên quan đến mức thuế nhập khẩu của mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, Uỷ ban Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có đề nghị giảm mức thuế thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.

Bộ Tài chính dẫn số liệu thống kê của Hội chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2016-2019 cho biết, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn và thứ 7 toàn cầu về số lợn giết mổ. Hiện nay trên cả nước vẫn còn 85% đàn lợn, lượng đàn lợn tiêu hủy chiếm khoảng 15%. 

Trường hợp thiếu thịt lợn, Việt Nam sẽ mở rộng quy mô tái đàn và bù đắp bằng gia tăng sản lượng bò, dê, gà. 

"Việc tăng nhập khẩu thịt heo, trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định, nhưng trong ngắn hạn, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt lợn nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt lợn sản xuất trong nước là chính", Bộ Tài chính cho biết.

Mặt khác, trong 6 tháng qua, giá lợn hơi thị trường Chicago, Mỹ có xu hướng giảm với mức giảm 6,225 UScent/lb. 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá thịt lợn trong nước trong xu hướng giảm là do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. 

Từ tháng 6 đến nay, giá thịt lợn tăng trở lại do lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Mặt khác, các đầu mối đẩy mạnh thu mua xuất lợn sống sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (Trung quốc dừng nhập khẩu thịt lợn của Mỹ và có xu hướng chuyển qua nhập từ các nước khác trong đó có Việt Nam). 

Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ thiếu hụt trong năm nay, đặc biệt dịp cuối năm. Việc thiếu hụt không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác.

Từ các phân tích trên, trước mắt để đáp ứng đề nghị của phía Mỹ, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 22%. 

"Mức thuế suất này tiệm cận với mức thuế suất cắt giảm năm 2019 theo Hiệp định CPTPP là 21.6%, do Biểu thuế MFN không có mức thuế suất 21% nên quy định mức thuế suất 22%", Bộ Tài chính nhận định.

Đánh giá về tác động của đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết hiện nay hầu như không có kim ngạch nhập khẩu áp dụng mức thuế MFN nên việc điều chỉnh thuế suất không ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Tuy nhiên, việc giảm thuế MFN dẫn đến lượng nhập khẩu tăng, qua đó có thể tăng thu ngân sách.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào đầu tháng 12/2019, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, dự kiến thời gian tới Việt Nam thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. 

Cùng với đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nhập khẩu thịt lợn, song việc này phải đảm bảo cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top