Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019, khối lượng công việc vẫn còn bề bộn, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo cụ thể với các vấn đề nổi cộm hiện nay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin trên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 2/12.
Ông Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ tháng 11/2019 chỉ diễn ra trong nửa ngày với nhiều nội dung quan trọng về tình hình kinh tế, xã hội, dự thảo nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác xây dựng thể chế, trong đó có xây dựng dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)...
Xuất khẩu đảo chiều
Về tình hình kinh tế-xã hội, ông Dũng điểm qua các kết quả nổi bật như, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát. CPI tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao, tuy nhiên CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và ngay sau đó, 4 ngân hàng thương mại lớn đã công bố chính sách cho vay mới đối với nhóm khách hàng ưu tiên.
Khu vực công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá (IIP tăng 9,3%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao (sắt, thép tăng 37,5%; xăng, dầu tăng 23,9%; tivi tăng 14,6%; điện thoại thông minh tăng 14,2%; vải dệt tăng 11,7%).
Thị trường thương mại sôi động, phát triển ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 11,8%.
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá, xuất siêu ở mức cao. Xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Khu vực trong nước tăng 18,1%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,8%; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu 9,1 tỷ USD. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Trước đây xuất khẩu ở khối FDI luôn tăng cao hơn, bây giờ ngược lại, đó là điều đáng mừng, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Theo tài liệu họp báo, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, tính đến ngày 18/11/2019 tổng phương tiện thanh toán tăng 10,56% và so với cuối năm 2018, huy động vốn tăng 11,07%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,28%.
Tính đến hết tháng 11, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 1,376 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 97,5% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ 2018. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 1,261 triệu tỷ đồng, tăng 4,2%.
Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) tính đến ngày 20/11/2019 đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2018. Giải ngân vốn FDI 11 tháng năm 2019 đạt 17,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung 11 tháng, cả nước có 163.589 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 80.874 doanh nghiệp. 41.460 doanh nghiệp không tìm thấy tại địa chỉ đăng ký.
Phải có biện pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, giá thịt lợn tăng rất cao, do nguồn cung thiếu hụt (thiếu hụt khoảng 340 nghìn tấn; buôn lậu thịt lợn diễn biến phức tạp) do dịch tả lợn châu Phi (đã tiêu hủy 5,9 triệu con; xuất hiện trục lợi trong hỗ trợ tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi).
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Giải ngân nguồn vốn Trung ương quản lý giảm 15,8%. Sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, có 27.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 15.800 doanh nghiệp giải thể.
Xuất khẩu 11 tháng đầu năm tăng 7,8%, có xu hướng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2017 (tăng 22,1%) và 2018 (tăng 14,6%).
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Dũng cho biết, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp, công nghiệp-thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, thanh tra, phòng chống tham nhũng, quốc phòng, an ninh và đối ngoại...
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019. Khối lượng công việc vẫn còn bề bộn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực theo đúng kế hoạch đề ra nhằm hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng Chính phủ cũng có các chỉ đạo cụ thể với các vấn đề nổi cộm hiện nay, như phải có biện pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn trong dịp cuối năm, tập trung ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài để gỡ "thẻ vàng" EU đối với thuỷ sản Việt Nam, ông Dũng thông tin.
Chỉ đạo tiếp theo từ Thủ tướng là tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm, nhất là các dự án ngành điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hình ảnh "đường lưỡi bò" trên các ấn phẩm sách báo, phim ảnh, hàng hóa, phần mềm, chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch việc lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông…, Bộ trưởng cho biết thêm.
Post a Comment