Đó là chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra ngày 25/12.

Công ty mẹ EVN lãi 950 tỷ đồng năm 2019

Tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lượng điện mua và sản xuất năm 2019 hơn 231 tỷ kWh, tăng gần 8,9% so với 2018. Trong đó, điện sản xuất các nhà máy của công ty mẹ EVN hơn 41,5 tỷ kWh.

Lượng điện thương phẩm gần 210 tỷ kWh, trong đó điện thương phẩm nội địa gần 208 tỷ kWh.

Năm 2019 EVN ghi nhận doanh thu hơn 393.230 tỷ đồng, trong đó thu từ bán điện gần 387.680 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận công ty mẹ - EVN đạt khoảng 950 tỷ đồng, nộp ngân sách 27.200 tỷ đồng, tăng gần 2.100 tỷ so với 2018.

Ông Nhân cho biết, đến cuối 2019 tổng giá trị tài sản hợp nhất gần 712.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 219.000 tỷ. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tập đoàn này là 2,25 lần, tỷ lệ tự đầu tư 30,7%.

Về thoái vốn, tập đoàn này đã thoái xong vốn tại Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình, hơn 90% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực. Tuy nhiên, việc chào bán đấu giá công khai cổ phần của Công ty cổ phần Tư vấn điện 3 và 4 (PECC3 và PECC4) không thành công. Tổng giá trị cổ phần đã bán theo mệnh giá là 203,25 tỷ, thặng dư gần 89 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đóng góp của 100.000 cán bộ, người lao động ngành điện góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà dự kiến năm 2019, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt trên 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 517 tỷ USD.

Thủ tướng cũng chia sẻ với một số khó khăn của ngành điện năm 2019 như phụ tải, nhu cầu điện tăng cao; khô hạn ở nhiều lưu vực, lượng nước về các hồ thủy điện ở mức thấp, nguồn cung cấp nhiên liệu như than, khí gặp khó khăn; nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ.

Trong bối cảnh đó, ngành điện vẫn không ngừng nỗ lực, bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế, sinh hoạt của nhân dân. Điều ấn tượng nhất là chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện vượt bậc, năm 2019 được xếp hạng 27/190 quốc gia trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, tăng 129 bậc (từ 156 lên 27). Tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân giảm 11% so với năm 2018. Đến cuối năm 2019, tỉ lệ tiêu thụ tro xỉ đạt 70%, cao hơn nhiều so với các năm trước (từ năm 2015-2018 đạt 40%). 

Mệnh lệnh Thủ tướng: "Không để thiếu điện"

Thủ tướng cho rằng các dự án cung ứng điện chậm tiến độ, gặp khó khăn, dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Trong 60 dự án nguồn điện có công suất lớn trên 200 MW dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn đến 2030 thì có đến 35 dự án đang triển khai với tổng công suất 39.000 MW chậm tiến độ, trong đó, EVN có 7 dự án chậm tiến độ. 

Theo báo cáo của EVN, năm 2019, lưới điện truyền tải bị quá tải khi sự phát triển của các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận và Bình Tuận, thuỷ điện ở Tây Bắc bùng nổ. 

Năng suất lao động ngành điện mặc dù tiếp tục được cải thiện song nhìn chung còn thấp. Năm 2019, năng suất lao động của EVN tiếp tục tăng trưởng 10%, cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế (khoảng 5,7%) song đánh giá chung vẫn thấp hơn so với nhiều công ty cùng chuyên ngành trong khu vực.

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển điện phải đi trước một bước, điện có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế và đời sống nhân dân. Sắp tới, sẽ thông qua quy hoạch điện lực, nhất là Tổng sơ đồ 8 cũng như chiến lược năng lượng, chiến lược phát triển ngành điện.

"Cần phải đẩy mạnh tinh thần đội ngũ 100.000 người lao động của EVN hãy làm việc quyết liệt chứ không phải làm cầm chừng, để năm 2020 và các năm tiếp theo có nguồn điện, lưới điện tốt để phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh điện giờ đây là vấn đề an ninh, an toàn xã hội, không thể để thiếu điện xảy ra trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là mệnh lệnh, yêu cầu lớn với ngành. 

EVN

Hội nghị tổng kết năm 2019 của EVN

Thủ tướng yêu cầu EVN phải có phương án đối phó tình hình khô hạn, nắng nóng, đảm bảo điện dùng cho sản xuất, sinh hoạt. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với EVN và các tập đoàn lớn trong điều hành tốt than và khí cho việc cung ứng điện với quan điểm nếu thiếu khí thì phải ưu tiên cho sản xuất điện.

Về phía EVN cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nguồn điện được Thủ tướng giao làm chủ đầu tư, gồm: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1, Dung Quất 3, Ô Môn 3, Ô Môn 4; các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng; dự án thủy điện tích năng Bác Ái.

Các dự án nguồn điện BOT đóng vai trò quan trọng trong cân đối cung ứng điện năng. Bộ Công Thương cần đôn đốc các dự án BOT đã ký hợp đồng và đẩy nhanh tiến độ đàm phán các dự án BOT đã có chủ trương.

Đẩy nhanh tiến độ lưới truyền tải đồng bộ, bảo đảm giải tỏa hết công suất các nhà máy năng lượng tái tạo.

Thủ tướng hy vọng sẽ sớm nhận được cơ chế phát triển nguồn điện, lưới điện trong thời điểm mới do cơ quan thẩm quyền trình, để tạo điều kiện thuận lợi cho một tập đoàn hùng mạnh, có vị thế quan trọng đối với sự phát triển.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top