"Đến hẹn lại lên", khi thời điểm cuối năm đang cận kề thì vấn đề thưởng Tết lại được quan tâm. Theo nhận định của các chuyên gia lao động, với tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2019 được đánh giá khả quan, nhiều khả năng mức thưởng Tết năm 2020 sẽ không thấp hơn năm ngoái.
Nhận định về tình hình thưởng Tết năm 2020, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, năm nay, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8%, cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng lên.
Vì vậy, dự báo mức thưởng Tết của các doanh nghiệp có thể tăng cao hơn năm ngoái một chút.
Lý giải về việc đưa ra mức dự báo thưởng tăng lên, theo ông Lợi là bởi vì, hiện nay có nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong tuyển dụng lao động, do đó, nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, người lao động sẽ không quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán.
Đồng thời, năm 2019 kinh tế có sự tăng trưởng tốt, doanh nghiệp phát triển nên khả năng thưởng Tết lạc quan hơn, dự kiến một số ngành ngân hàng, tài chính sẽ có mức thưởng nổi bật.
Cũng liên quan đến vấn đề thưởng Tết cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây có văn bản yêu cầu 63 địa phương khảo sát tình hình nợ lương, thưởng và thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, gửi về Bộ trước ngày 20/12/2019.
Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy ngày 17/12, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Cục chưa nhận được báo cáo nào từ các địa phương gửi về.
"Dù hạn là 20/12 nhưng Cục cũng không bắt buộc chốt cứng thời hạn báo cáo, vì thực tế các địa phương cũng phải chờ báo cáo từ các doanh nghiệp gửi về rồi mới tổng hợp về bộ. Quan trọng ở đây là doanh nghiệp có gửi báo cáo cho địa phương hay không vì đây chỉ là số liệu mang tính chất khảo sát", ông Lai thông tin.
Nói về mức thưởng Tết năm nay, ông Lai cho biết, mình chưa thể nhận định cụ thể so với năm ngoái vì chưa có số liệu từ địa phương.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và tiền lương cũng cho rằng, năm nay Tết đến sớm, và Tết Dương lịch cũng gần Tết Nguyên đán, nên khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ cân đối, tập trung dồn lực và thưởng tết Nguyên đán.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với VnEconomy, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam cho biết, đến nay chưa thể nói gì về mức thưởng Tết của ngành, vì chưa nhận được báo cáo từ các doanh nghiệp. "Chúng tôi sẽ có trao đổi lại với phía doanh nghiệp trong thời gian sớm và thông tin lại sau", bà Xuân nói.
Cũng nhận định về tình hình thưởng Tết, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, thông thường các doanh nghiệp sẽ áp dụng mức thưởng tháng lương thứ 13 và có thể bổ sung khoản thưởng theo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm nay, nhiều khả năng mức thưởng Tết sẽ không thấp hơn năm ngoái, nếu có thì không đáng kể.
Thông tin thêm, ông Tống Văn Lai cho biết, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn đang tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình thưởng Tết của các địa phương. Dự kiến, gần Tết Âm lịch hoặc sớm nhất ngày 15/1/2020, Cục này mới có báo cáo thưởng Tết.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức thưởng bình quân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019 bằng khoảng 1 tháng lương là 6,31 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với năm 2018 (năm 2018 là 5,527 triệu đồng/người).
Thực tế, theo quy định của Bộ luật Lao động thì tiền thưởng cuối năm cho người lao động do doanh nghiệp quyết định, căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và quy chế thưởng của doanh nghiệp.
Do đó, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, lợi nhuận cao thì mức thưởng sẽ cao hơn.
Tiền thưởng dù không phải là khoản tiền bắt buộc phải trả cho người lao động, nhưng đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng Tết cho người lao động, chỉ trừ một số trường hợp cực kỳ khó khăn.
Post a Comment