Tôi là người chồng trong bài viết: "Chồng tránh việc ăn Tết ở quê tôi". Hôm nay vợ gửi bài tâm sự để tôi đọc các bình luận, góp ý của các bạn.

Tôi không phải ích kỷ, không xem trọng nhà vợ hay phân biệt vùng miền, mối quan hệ giữa tôi với nhà vợ rất tốt, chúng tôi vẫn thăm hỏi thường xuyên, tôi công tác vẫn ghé về nhà vợ thăm, biếu quà ba mẹ. 

4 năm trước tôi có về ăn Tết nhà vợ lần đầu tiên và quả thật quá vất vả từ di chuyển đến mọi vấn đề sinh hoạt. Chiều 29 Tết đến Hà Nội phải di chuyển xe ôtô thêm 3 tiếng đồng hồ mới đến nhà vợ, mệt mỏi bơ phờ, lạnh như cắt, đến nơi bốn mâm cỗ đã bày sẵn chờ chúng tôi, ba vợ dắt tôi giới thiệu từng người. Cứ mỗi lần giới thiệu xong một người tôi lại cúi đầu chào, có những người ngang tuổi tôi nhưng vai vế rất to. Đến bữa ăn, sau một lúc mời chào nhiệt tình mọi người trong mâm thì tôi cúi mặt ăn nhanh để còn đi ngủ, bị anh vợ ngồi gần đá chân nhắc nhở để ý người lớn tuổi hơn trong mâm.

Rồi mọi người yêu cầu tôi ra mắt bằng cách nâng ly và uống cạn, rất mệt nhưng tôi vẫn cố chiều lòng mọi người dù không vui. Tôi chưa ăn xong chén cơm đã phải xin phép đi nghỉ. Vừa nằm được lúc mẹ vợ vào nói ba vợ không hài lòng về cách cư xử của tôi, mọi người nói tôi không tôn trọng họ, mẹ động viên tôi cố gắng ra ngồi với mọi người cho hết bữa cơm. Uống được vài ly, trong người tôi mạnh dạn hơn khi nói chuyện nên rót rượu mời người lớn tuổi nhất trong mâm, chú ấy chắc lớn hơn tôi 20 tuổi. Chú gạt ngang nói tôi hỗn, chỉ có ba tôi mới được mời rượu chú, tôi là hàng con cháu. Từ đó trở đi hình như mọi người luôn dò xét từng câu nói của tôi. Tôi nói ra điều gì không vừa ý họ là họ chỉnh sửa ngay. Có nhiều câu họ nói mà tôi rất khó chịu, không cần trả lời thì nhận lại ngay câu nói vu vơ: "Các anh chị học cao, hiểu rộng, ở thành phố, cần gì dân nhà quê mà phải trả lời", kể cả ba vợ tôi.

Điều tôi ngỡ ngàng nhất là chị em phụ nữ miền Bắc rất tội nghiệp, họ chịu khó, đảm đang và có phần cam chịu vì một phần đàn ông rất gia trưởng. Nếu như Tết ở TP HCM theo đúng nghĩa là nghỉ Tết, chỉ cần 29 Tết ra siêu thị mua một lần là đủ, sáng mùng Một mừng tuổi ông bà xong là có thể ngủ nghỉ, đi du lịch, còn như nhà vợ tôi cúng cơm ông bà ngày ba bữa từ mùng Một đến mùng Ba, khách đến lại dọn cơm, trà bánh bia rượu, lễ nghi hình thức, chúc Tết hết nhà này đến nhà khác. Tôi thèm được ngủ nghỉ nhưng ba vợ cứ bắt ngồi tiếp khách đến nhà, trong khi tôi không biết đó là ai và phải nói gì. Vợ cứ nấu rồi quét dọn, rửa ly pha trà, tôi không thể hiểu nổi cứ khách đến chúc Tết là ba vợ lại kêu tôi đi pha bình trà khác dù đã có sẵn một bình, rồi kêu vợ tôi dọn cơm mời khách dù không phải đến giờ cơm. Tôi hỏi vợ: "Nhà họ không có cơm hả em"? Vợ tôi liếc bảo: "Anh muốn bị ba mắng à" rồi lại điệp khúc chúc mừng, bắt tay, ôm, vỗ vai, ra về, dọn dẹp.

Thật sự tôi là người phóng khoáng trong suy nghĩ nên khi chứng kiến những điều ấy cảm thấy cuộc sống rất nặng nề và có phần lạc hậu. Xã hội phát triển, mọi mối quan hệ cần được đơn giản hóa, sống sao cảm thấy vui vẻ, hài hòa. Cả năm đã đi làm vất vả, Tết là lúc để nghỉ ngơi, giải trí, để các chị em phụ nữ có thời gian làm đẹp, thư giãn, đừng để họ cắm mặt vào bếp phục vụ trà nước, bia rượu. Tôi nói với vợ năm nay vẫn muốn ba mẹ vào Nam ăn Tết để ba mẹ hiểu được sự tận hưởng thay vì phải sống theo khuôn phép lễ nghĩa, những điều này tự mình có thể thoát ra và giải phóng. Tôi vẫn sợ phải lập lại cái cảm giác đó nên không thích nghi được và không muốn về. Cảm ơn các bạn đã đọc, chúc mọi người vui vẻ.

Thìn

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top