"Nhà thống kê chụp ảnh nguyên trạng bức tranh kinh tế còn thực thi chính sách là của bộ ngành. Không phải chúng tôi làm để Chính phủ tăng thêm vay nợ hay trần nợ công", ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói như vậy tại buổi họp báo Công bố kết quả Đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 sáng 13/12. 

Kết quả đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006 nghìn tỷ đồng).

Cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản giảm nhanh từ 15,38% năm 2010 xuống còn 12,93% năm 2017. Trong khi đó, khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ tăng thêm lần lượt lên 35,39% và 42,58%.

GDP bình quân đầu người đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân khoảng 25,6% mỗi năm so với số đã công bố, tương ứng với tăng 10,3 triệu đồng/người; ứng với 485,2 USD/người theo tỷ gá hối đoái và ứng với  1.421,1 USD-PPP/người theo sức mua tương đương.

Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giảm khoảng 6%/năm; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm. Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 5,0%.

Trong khi đó, tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%; GDP bình quân đầu người bình quân tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%/năm; Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP bình quân mỗi năm khoảng 33,3%/năm (tăng thêm 0,7 điểm phần trăm).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, cái lợi quan trọng nhất khi đánh giá lại GDP là các bộ, ngành và người dân có bức tranh xác thực nhất về nền kinh tế, quy mô, tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô từ đó, Chính phủ có chính sách đúng đắn, xá thực vận hành nền kinh tế trong thời gian tới.

Khi chắc chắn nền kinh tế vận hành tốt, tăng trưởng tốt hơn thì người dân sẽ được hưởng lợi qua việc tăng trưởng kinh tế chất lượng, hiệu quả. Ví dụ, cơ cấu kinh tế thay đổi, Chính phủ sẽ có những chính sách thay đổi cho phù hợp với hội nhập kinh tế hoặc có chính sách phù hợp với tiêu dùng. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top