Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Việt – Nhật dự kiến sử dụng ODA vay vốn Nhật Bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, cho biết, nếu tính theo GDP kế hoạch của năm 2019, khoản vay cho dự án sẽ làm chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP tăng 0,06%.

Trên cơ sở góp ý của Bộ Tài chính, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về điều kiện vay và mức độ ưu đãi của khoản vay, theo đề xuất khoản cho vay cho dự án có lãi suất dự kiến 0,95%/năm, thời gian vay 30 năm trong đó ân hạn 10 năm. Theo tính toán của Bộ Tài chính, thành phố ưu đãi của khoản vay dành cho dự án đạt khoảng 23,26%, chưa đạt tiêu chuẩn khoản vay ODA không ràng buộc.

Về vấn đề tác động nợ công, báo cáo cho biết, tại thời điểm hiện nay, chưa đủ căn cứ đánh giá tác động nợ công của khoản vay trong giai đoạn 2021-2025. Nếu tính theo GDP kế hoạch của năm 2019, khoản vay cho Dự án sẽ làm chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP tăng 0,06% (nếu tính theo tổng mức vay của dự án là 17.148,35 triệu Yên, tương đương 152,86 triệu USD hoặc 3.599,95 tỷ đồng, với giả định dự kiến mất giá tiền Yên là 2,45%/năm).

Đối với quy mô và tổng mức đầu tư, theo dự án, suất đầu tư trên một sinh viên của dự án cao hơn gấp 5,7 lần so với suất đầu tư trường đại học có quy mô trên 5.000 sinh viên theo Quyết định số 706 ngày 30/6/2017 của Bộ Xây dựng. Do đó Đại học Quốc gia Hà Nội được đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý của đơn giá vật tư, thiết bị, đảm bảo tuân thủ quy định về đầu tư và xây dựng.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội cần lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng về dự phòng trượt giá, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành trong nước. Ngoài ra, đề nghị rà soát lại số liệu về nhu cầu vốn đối ứng của dự án và có đánh giá tác động của công tác giải phóng mặt bằng đối với người dân tại các vị trí thực hiện công trình.

Báo cáo cho biết, hiện nay, dự án đang đề xuất ngân sách nhà nước bố trí toàn bộ phần vốn đối ứng 28,63 triệu USD, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ tự bố trí phần vốn đối ứng 0,43 triệu USD để trả lãi vay trong quá trình xây dựng. Bộ Tài chính cho rằng đề xuất bố trí vốn đối ứng như trên của Đại học Quốc gia Hà Nội là chưa phù hợp với quy định hiện hành.

Tiếp tục rà soát để tổng mức đầu tư phù hợp

Dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Việt – Nhật của Đại học Quốc gia Hà Nội, có thời gian thực hiện dự án từ 2021-2025 tại Hòa Lạc, Hà Nội. Dự án này đã các cơ quan liên quan nhiều ần góp ý để hoàn thiện.

Dự án này có tổng mức đầu tư 4.274 tỷ đồng, tương đương 181,5 triệu đôla Mỹ (USD). Trong đó vốn vay khoảng 152,864 triệu USD, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng; vốn đối ứng 674 tỷ đồng, tương đương khoảng 28,636 triệu USD. Cơ chế tài chính trong nước, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất cơ chế hỗn hợp, ngân sách nhà nước cấp phát 90%, trường vay lại 10%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, căn cứ tiêu chí phân loại dự án quy định tại Luật Đầu tư công, với tổng mức đầu tư dự kiến 4.274 tỷ đồng, dự án Đầu tư xây dựng trường Đại học Việt Nhật thuộc dự án nhóm A và thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, theo đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội, tổng mức dự án (quy mô 6.000 sinh viên, diện tích đất 74,4 ha, tổng mức đầu tư 181,5 triệu USD) còn cao so với suất đầu tư trường đại học có quy mô trên 5.000 sinh viên theo quyết định 706 của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, sau khi nhận được góp ý của các cơ quan liên quan, Đại học Quốc gia Hà Nội đã rà soát và giảm tổng mức đầu tư xuống thấp hơn so với suất đầu tư của dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Việt – Đức (quy mô 5.000 sinh viên, diện tích đất 65ha, tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu USD) và dự án đầu tư xây dựng trường Đại học Việt – Pháp (quy mô 5.000 sinh viên, diện tích đất 50 ha, tổng mức đầu tư khoảng 201 triệu USD).

Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục rà soát, làm rõ khả năng tuyển sinh các ngành học của trường để đề xuất tổng mức đầu tư phù hợp trong quá trình chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top