Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng đây chính là thách thức lớn nhất để đảm bảo mục tiêu doanh thu đặt ra của VNPT trong năm 2019.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020 của VNPT ngày 24/12, ông Liêm cho biết, thị trường viễn thông truyền thống ở Việt Nam năm 2019 chứng kiến xu thế giảm nhanh hơn xu thế của thế giới. Báo cáo 9 tháng đầu năm nay của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho biết về xu thế giảm doanh thu của dịch vụ viễn thông truyền thống của Việt Nam nhanh hơn so với xu thế của thế giới, theo ông Liêm.
Theo Phó tổng Tập đoàn VNPT, mức suy giảm trên là hệ quả của một loạt các yếu tố, gồm bối cảnh thuê bao trong nước bão hòa, giá cước không kiểm soát, liên tục giảm giá để cạnh tranh giữa các nhà mạng, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ điện thoại cố định tiếp tục vẫn trên xu hướng giảm, sự phổ biến của dịch vụ gọi điện, nhắn tin, cung cấp nội dung trên OTT.
"Những yếu tố đó đang khiến doanh thu dịch vụ viễn thông cơ bản ở Việt Nam trong năm qua rơi vào trạng thái… không thể tăng trưởng", vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Theo số liệu được VNPT công bố tại hội nghị, năm 2019, tập đoàn này đạt tổng doanh thu 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 45.730 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch, bằng 101,4% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng bằng 100,1% kế hoạch, tăng 10%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,9%, đạt 100% kế hoạch, tăng 7%.
Nộp ngân sách nhà nước đạt 4.926 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 10%. Năng suất lao động theo doanh thu trung bình đạt 1,521 tỷ/người, tăng 1,7% so với năm 2018.
Bên cạnh những kết quả mà theo ông Liêm toàn Tập đoàn VNPT đã phải rất nỗ lực mới đạt được thì năm qua, VNPT vẫn còn một số tồn tại, như chỉ tiêu về thuê bao mang lại doanh thu (phát sinh cước) chưa đạt yêu cầu, gồm cả thuê bao phát sinh cước di động, phát sinh cước băng rộng (data) và phát sinh cước My Tivi.
Ngoài ra, doanh thu của dịch vụ viễn thông, đặc biệt là data mới chỉ đạt tăng trưởng gần 20% trong khi mục tiêu đặt ra là 30%. Lưu lượng dịch vụ data đã có mức độ tăng trưởng trong năm 2019 gần 3 lần nhưng doanh thu chỉ tăng 18,6% ở dịch vụ data.
Các dịch vụ giá trị gia tăng (như dịch vụ thanh toán về sim, icon…) trong năm 2019 đã có sự suy giảm rất lớn, trong khi các dịch vụ số do mới bắt đầu kinh doanh nên doanh số tăng trưởng vẫn chưa đủ bù lại mức suy giảm của dịch vụ giá trị gia tăng truyền thống.
Nguyên nhân dẫn đến "nghịch lý" đối với dịch vụ data như trên, theo Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long, là thị trường viễn thông di động đang chứng kiến hiện tượng cạnh tranh quá đà, dẫn tới các dịch vụ chủ lực trong đó có data dù lưu lượng tăng gấp 3 lần, khách hàng tăng nhưng doanh thu tăng rất thấp và không tương xứng. Theo ông Long, việc cạnh tranh quá đà này về lâu dài sẽ khiến các doanh nghiệp không còn nguồn lực, lợi nhuận để tái đầu tư và phát triển.
Và vì thế, theo ông Long cần sớm phải có cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng "cạnh tranh quá đà" hiện nay, đặc biệt là đối với dịch vụ data.
Cũng tại hội nghị trên, VNPT đã công bố mục tiêu 2020 (theo kế hoạch giao của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp), với tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 171.300 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2019. Trong đó doanh thu Công ty mẹ đạt 45.018 tỷ đồng bằng 102%.
Lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn với mục tiêu tăng trưởng từ 5 - 10%; dự kiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu phấn đấu tăng từ 5 - 8% so với thực hiện năm 2019.
Post a Comment