Trong tổng số 1,6 triệu lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần quý I/2016, có khoảng 821,1 nghìn người thiếu việc làm.
Lương chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu, lao động trình độ thấp dễ kiếm việc làm hơn.... Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Ngày hôm nay (29/7) - ngày cuối cùng của kỳ họp thứ nhất - Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay.
Nhiều ý kiến của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội đã được gửi đến các vị đại biểu trước phiên thảo luận này.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, Uỷ ban nhìn nhận, tiền lương tối thiểu của khu vực có quan hệ lao động mặc dù đã được điều chỉnh theo quy định và thu nhập bình quân của lao động khu vực làm công ăn lương tính đến hết quý I/2016 đã tăng 3,8% so với quý 4/2015 (đạt mức 5,16 triệu đồng/tháng) nhưng vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu (hơn 80%).
Số lượng các cuộc đình công có xu hướng giảm, tính chất phức tạp không lớn như những năm trước đây (khoảng 140 cuộc, giảm 16 cuộc so với cùng kỳ 2015) nhưng cơ bản vẫn không đúng quy định của pháp luật.
Những hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực này không hề ít. Như, tỷ lệ thất nghiệp tuy không tăng, nhưng vấn đề việc làm, đặc biệt việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường còn rất khó khăn và cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ chung.
Trong số thất nghiệp, có khoảng 190,9 nghìn người có trình độ đại học trở lên; 118,9 nghìn người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp; 10 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề; 60,2 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp....
Đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp của nhóm đã qua đào tạo cao hơn nhiều so với nhóm chưa qua đào tạo: nhóm cao đẳng chuyên nghiệp vẫn ở mức cao nhất 8,07%, cao đẳng nghề 4,87% và đại học trở lên là 3,93%. Ngoài ra, tình trạng thiếu việc làm cũng đáng quan tâm, quý I/2016 là 1,76% tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015 (1,61%).
Cụ thể trong quý 1 năm nay, trong tổng số 1,6 triệu lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần, có khoảng 821,1 nghìn người thiếu việc làm, tăng 62,8 nghìn người so với quý 4/2015. Tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,28%, gấp 3 lần khu vực thành thị (0,70%)...
Qua phân tích thực trạng lao động, việc làm cho thấy xu hướng việc làm, tạo việc làm mới tập trung nhiều hơn vào nhóm lao động có trình độ thấp, không có tay nghề, thị trường lao động vẫn chưa thoát ra khỏi hướng phát triển các ngành thâm dụng lao động, Thường trực Uỷ ban nhận định.
Đánh giá tiếp theo là mặc dù có 54.501 doanh nghiệp được thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nhưng đi sâu vào phân tích cho thấy về quy mô vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, không ổn định, chưa kể tình trạng một chủ thành lập nhiều doanh nghiệp, số lao động bình quân trong các doanh nghiệp giảm so với giai đoạn trước... đã tác động đến cơ hội giải quyết việc làm, tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động,
Với bảo hiểm xã hội, Uỷ ban nhận xét, đối tượng tham gia vẫn chủ yếu là nhóm bắt buộc, việc phát triển đối tượng tự nguyện còn thấp. Các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động ….) và kể cả bảo hiểm thất nghiệp đều kết dư khá cao. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa đạt được mục tiêu đề ra, chủ yếu mới giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, chỉ có 4,8% tham gia học nghề trong tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đáng chú ý là tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội xảy ra phổ biến ở tất cả các địa phương; chưa có giải pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động đóng bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn.
Luật hiện hành đã quy định chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hình thức bảo hiểm xã hội khác (bảo hiểm hưu trí bổ sung, bảo hiểm hưu trí tự nguyện thương mại) phù hợp cho người lao động nhưng việc triển khai trên thực tế còn rất hạn chế.
Post a Comment