Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần sớm ban hành Luật Biểu tình nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm quyền cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu. 

Với đa số phiếu thuận, chiều 29/7 Quốc hội đã thông qua nghi quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2016 và chương trình xây dựng luật 2017.

Theo đó, dự án Luật Quy hoạch, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp), Pháp lệnh phí và lệ phí sẽ được bổ sung vào chương trình năm nay.

Các dự án luật rút khỏi chương trình 2016 gồm Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Chứng thực, Luật Biểu tình, Luật Về máu và tế bào gốc, Luật Quốc phòng.

Năm 2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ thông qua 15 dự án luật, trong đó có Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). 8 dự án được cho ý kiến tại kỳ họp này có Luật Quản lý nợ công.

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội thông qua 9 dự án và cho ý kiến 6 dự án luật. Luật Quản lý nợ công sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ có trách nhiệm khẩn trương chuẩn bị các dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, Luật Biểu tình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước khi các vị đại biểu bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần sớm ban hành Luật Biểu tình nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm quyền cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu. 

Do vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau cần được nghiên cứu chuẩn bị kỹ để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật, cho đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được hồ sơ dự án Luật này, nên chưa có đủ cơ sở để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top