“Sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Chính phủ về thời hạn 70 năm cho Formosa, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT kiểm tra xem có đủ điều kiện không. Sau đó, các ngành đã vào xem xét, xác định đủ điều kiện 70 năm”, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Cuối giờ chiều ngày 29/7, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp. Cuộc họp báo đã thu hút hàng trăm phóng viên báo, đài trong nước và quốc tế.

Một trong những nội dung được nhiều phóng viên tập trung trao đổi với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đó là việc Formosa được cấp phép 70 năm và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, ĐBQH khóa 14, nguyên Chủ tịch, Bí thư tỉnh Ủy Hà Tĩnh trong việc cấp phép cho Formosa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông Võ Kim Cự cấp phép cho Formosa 70 năm và Formosa xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian vừa qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tuy nhiên, ông Cự vẫn được phê chuẩn là Ủy viên Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là 2 việc khác nhau. Theo Điều 30 Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu có quyền đăng ký vào bất cứ Ủy ban nào. Ông Cự có bằng cử nhân Tài chính Ngân sách, thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, ông đăng ký vào Ủy ban Kinh tế là phù hợp.

Đề cập đến việc ông Cự cho Formosa thuê đất 70 năm, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc này Thanh tra Chính phủ đã thanh tra và xác định không đúng thẩm quyền và ông Cự đã nhận sai.

“Sau đó UBND tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo Chính phủ về thời hạn 70 năm và Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT kiểm tra xem có đủ điều kiện không. Sau đó, các ngành đã vào xem xét, xác định đủ điều kiện 70 năm”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Cùng chủ trì cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông Cự là thành viên Ủy ban Kinh tế có ảnh hưởng đến việc giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường với hoạt động của Formosa, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) cho biết, ĐBQH và Quốc hội rất quan tâm đến sự cố Formosa. Căn cứ vào chương trình chung và yêu cầu giám sát, Quốc hội đã chọn 2 chuyên đề về an toàn thực phẩm và việc thực hiện chính sách cải cách nhà nước để giám sát.

“Ở đây không thể đặt vấn đề QH không coi trọng hoặc xem nhẹ nội dung này. Theo quy định của Luật QH thì việc giám sát có 5 cấp độ, tạo thành hoạt động giám sát của QH. Hoạt động nào cũng có giá trị pháp lý của từng cấp bậc đó. Quốc hội trên cơ sở giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ có quyết định tiếp theo”, ông Hùng cho biết.

Trong phần trả lời của mình, ông Hùng cũng đề nghị báo chí giám sát để hoạt động này hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu việc xử lý sự cố môi trường ở miền Trung.

“Vừa qua QH đã giao cho Ủy ban Khoa học và Công nghệ vào giám sát. Tới đây nếu có vấn đề liên quan đến kinh tế thì Ủy ban Kinh tế sẽ vào giám sát nhưng chắc chắn thành phần tham dự sẽ không có ông Cự để đảm bảo khách quan”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm.

Đề cập đến chương trình giám sát của Quốc hội, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong chương trình giám sát năm 2017, Quốc hội làm theo quy trình rất chặt chẽ.

Trước khi kỳ họp QH diễn ra, ông Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi xin ý kiến 77 cơ quan, tổ chức, đơn vị và thu được 109 ý kiến lĩnh vực đề nghị giám sát. Sau đó, gom lại 30 vấn đề, sau rà soát lại thì chọn ra 6 chuyên đề lớn có nhiều ý kiến để giám sát. Sau đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ và chọn 4 chuyên đề. Trình ra QH thì QH quyết định giám sát 2 chuyên đề còn Ủy ban Thường vụ QH giám sát 2 chuyên đề.

“Cuối tháng này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ vào Hà Tĩnh và miền Trung để giám sát về vấn đề môi trường và hoạt động của Formosa”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Trước ý kiến cho rằng QH nên xem xét tư cách đại biểu QH với ông Nguyễn Kim Cự, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Không có cơ sở để xem xét tư cách ĐBQH của ông Cự. Sau này, các cơ quan chức năng xem xét, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thì mới xem xét trách nhiệm cụ thể được”.

Xuân Tùng / infonet

TB

CẢ VÕ KIM CỰ VÀ NGUYỄN TẤN DŨNG ĐỀU LẠM QUYỀN, UBTV QUỐC HỘI PHẢI TUYÊN BỐ QUYẾT ĐỊNH “CẤP PHÉP 70 NĂM CHO FORMOSA” LÀ VÔ HIỆU 

Formosa là nhà đầu tư tạo ra nhiều công ăn việc làm lại “ở trong khu kinh tế…” là những điều kiện để có thể xem xét việc cho kéo dài thời hạn tới 70 năm nhưng không có nghĩa là đương nhiên được kéo dài 70 năm. Những những ngành công nghiệp mà Formosa đầu tư đang bị xua đuổi khắp nơi trên thế giới ngay cả ở một quốc gia bất chấp (và đang cung cấp công nghệ, thiết bị cho Formosa) như Trung Quốc.

2008, đất nước còn nghèo, tầm nhìn hạn chế (coi như không có những lý do khác), Chính phủ có thể mắc những sai lầm lịch sử, chấp nhận những nhà đầu tư như Formosa. Nhưng 2014, mà vẫn đồng lõa với nó thì chỉ có thể coi là tội ác. 

Khi Thanh tra phát hiện Võ Kim Cự lạm quyền, cấp phép kéo dài thời hạn đầu tư cho Formosa tới 70 năm, lẽ ra thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải nhóm họp Chính phủ để thảo luận vì CHÍNH PHỦ chứ không phải THỦ TƯỚNG mới có quyền quyết định thời hạn dài hơn 50 năm cho một dự án đầu tư (Điều 52, Luật Đầu tư 2005). 

Hình thức ra quyết định của Chính phủ là ra nghị quyết chứ không phải là cho ý kiến.
Một quyết định hợp lý mà không hợp lệ thì cũng phải tuyên hủy (vi phạm “tố tụng”). Quyết định trên đây của “cặp bài trùng” Dũng – Cự không chỉ không đúng thẩm quyền mà còn kéo dài mối đe dọa môi trường sống của đất nước thêm 20 năm. 

Không có lý do gì để hợp thức hóa cho hành vi sai trái đó.

Việc cần làm của Quốc hội không phải là bào chữa cho những kẻ phá hoại mà phải ngay lập tức nhóm họp ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuyên bố quyết định của Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho Võ Kim Cự kéo dài thời hạn đầu tư cho Formosa tới 70 năm là vô hiệu.

Huy Đức

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top