Ông Maximilian Bittner, nhà sáng lập kiêm CEO của Lazada - Ảnh: Bloomberg.

“Đế chế” thương mại điện tử Alibaba vừa quyết định rót thêm 1 tỷ USD để nâng mức cổ phần nắm giữ trong công ty bán lẻ trực tuyến Lazada lên 83%. Với mức cổ phần này, Alibaba nắm chắc quyền kiểm soát công ty khởi nghiệp (start-up) đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt nhằm phục vụ cho chiến lược tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á.

Hãng tin dẫn lời Giám đốc điều hành (CEO) Lazada, ông Maximilian Bittner cho biết, vụ rót vốn trên định giá start-up này ở mức 3,15 tỷ USD. Sau khi thương vụ hoàn tất, các nhà đầu tư còn lại trong Lazada, ngoài Alibaba, chỉ còn vài người, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia Temasek Holdings của Singapore.

Năm ngoái, Alibaba giành quyền kiểm soát Lazada từ công ty Rocket thông qua một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD, đánh dấu vụ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Alibaba tính đến thời điểm đó.

Lazada được ông Bittner sáng lập vào năm 2012. Hiện nay, công ty này đang giữ vai trò trụ cột trong việc thúc đẩy chiến lược mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài của Alibaba, phục vụ cho tham vọng của tỷ phú Jack Ma - nhà đồng sáng lập Alibaba - về đưa tập đoàn này trở thành một doanh nghiệp toàn cầu thực sự.

Thị trường sân nhà Đông Nam Á của Lazada được dự báo sẽ trở thành “chiến địa” tiếp theo giữa Alibaba với đối thủ đồng hương JD.com và đối thủ Mỹ Amazon.com.

Dù còn thiếu hệ thống vận tải và thanh toán giữ vai trò sống còn đối với sự phát triển của thương mại điện tử, Đông Nam Á đã trở thành khu vực nơi mạng Internet phát triển nhanh nhất thế giới. Dân số hơn 600 triệu người của khu vực này cũng ngày càng thích nghi với việc mua sắm và thanh toán trực tuyến.

Amazon chưa công bố dự định của mình cho thị trường Đông Nam Á, nhưng giới phân tích cho rằng cuộc tìm kiếm tăng trưởng không ngừng sẽ đưa Amazon tới khu vực này sớm nhất là trong năm nay. Hiện nay, Alibaba đã thiết lập vị trí số 1 ở Trung Quốc còn Amazon thì đang dẫn đầu ở Mỹ, nên cả hai đều hướng tầm nhìn ra thị trường nước ngoài.

Về phần mình, JD - công ty có xu hướng xây dựng một hệ thống phân phối tương tự như của Amazon - cũng được cho là đang đàm phán để rót hàng trăm triệu USD vào chợ điện tử trực tuyến Tokopedia của Indonesia.

Trong số các hãng thương mại điện tử nói trên, Alibaba là tập đoàn hăng hái nhất trong việc khai phá thị trường Đông Nam Á. Tập đoàn này đã tích cực tích tụ sự hiện diện trong khu vực với sự lường trước rằng Amazon kiểu gì cũng đến lúc tới đây.

Ông Jack Ma đã tới Kuala Lumpur vào tháng 3 vừa qua để tuyên bố Malaysia trở thành trung tâm hậu cầu đầu tiên của Alibaba ngoài Trung Quốc. Tại Malaysia, Alibaba sẽ xây dựng một nhà kho trung tâm và một trung tâm phân phối cho toàn khu vực.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, được xem là thị trường thương mại điện tử hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á. Nước này được so sánh như Trung Quốc cách đây 1 thập kỷ, với cơ sở hạ tầng bán lẻ còn thiếu, số lượng người dùng di động tăng chóng mặt, và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng có nhu cầu lớn về giải trí và hàng hóa có chất lượng.

Lazada hiện có mặt ở 6 quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Công ty này có khoảng hơn 10 nhà kho và hàng chục trung tâm phân phối để hàng hóa từ đó được vận chuyển trực tiếp đến người mua.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top